5 kịch bản đe dọa gây bất ổn các thị trường toàn cầu trong năm 2023
By Bloomberg, KTSG, 2022 12 29,
Sau khi trải qua năm tồi tệ đối với chứng khoán toàn cầu và sự sụt giảm mạnh chưa từng thấy của thị trường trái phiếu trong thế kỷ này, nhiều nhà đầu tư chưa chắc chắn bất cứ điều gì trong năm 2023.
Một số nhà đầu lạc quan đang đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương xoay trục chính sách để chuyển sang cắt giảm lãi suất, cùng với việc Trung Quốc hoàn toàn thoát khỏi sự cô lập do đại dịch Covid-19 và xung đột ở châu Âu dịu lại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khác vẫn đang đề phòng những rủi ro có thể khiến các thị trường tài chính rơi vào tình trạng hỗn loạn trở lại.
Dưới đây là năm kịch bản có nguy cơ gây bất ổn cho các thị trường toàn cầu trong năm tới.
Lạm phát dai dẳng
Theo Matthew McLennan, đồng giám đốc nhóm đầu tư giá trị toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư First Eagle Investment Management (Mỹ), thị trường trái phiếu đang kỳ vọng lạm phát sẽ trở lại mức bình thường trong vòng 12 tháng tới.
Tuy nhiên, ông cảnh báo kỳ vọng đó có thể là một sai lầm lớn. McLennan lưu ý, có một rủi ro thực sự là tăng trưởng tiền lương và sức ép từ phía nguồn cung, chẳng hạn chi phí năng lượng tăng cao sẽ tiếp tục kích giá cả tiêu dùng đi lên. Điều này sẽ loại trừ khả năng xoay trục chính sách sang hướng cắt giảm chi phí vay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mà thị trường dự đoán sẽ diễn ra vào giữa năm nay.
Tác động của kịch bản nằm ngoài mong đợi này là giá cổ phiếu và trái phiếu giảm sâu hơn, đồng đô la Mỹ mạnh lên và gây nhiều tổn thương hơn cho tài sản ở các thị trường mới nổi.
Theo McLennan, sau đó các thị trường sẽ đối mặt với câu hỏi liệu chi phí vay cao hơn có gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu hay không.“Các quan chức Fed đã không dự báo được lạm phát sẽ tăng mạnh. Trong nỗ lực chống lạm phát, họ có thể không nhận thấy trước một tai nạn tài chính sắp xảy ra. Rất có thể Fed đang đánh giá thấp nguy cơ xảy ra thảm họa tài chính”, ông nói.
Các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc vẫn suy yếu
Chứng khoán Trung Quốc đã tăng khoảng 35% so với mức thấp nhất của năm 2022 (được thiết lập trong tháng 10 vừa qua) nhờ triển vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn sau các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 kéo dài và nghiêm ngặt.
Điều đang phủ bóng đen lên sự lạc quan này là nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải khi số ca nhiễm Covid-19 tăng bùng nổ và các hoạt động kinh tế sụp đổ. Các bệnh viện đông đúc và hàng dài người xếp hàng tại các nhà tang lễ để đăng ký dịch vụ hỏa thiêu cho người thân qua đời vì Covid-19 ở các thành phố lớn đã gây báo động trong những tuần gần đây. Cùng với đó, các hoạt động đi lại, gặp gỡ xã hội cũng suy giảm.
“Đường cong lây nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc sẽ tăng lên và sẽ đạt đỉnh một hoặc hai tháng sau Tết Nguyên đán”, Marcella Chow, nhà chiến lược thị trường toàn cầu của Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định.
Bà dự báo, Trung Quốc rốt cuộc sẽ thành công trong việc tái mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn cảnh báo rủi ro về diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19.
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn mong manh. Bất kỳ sự suy giảm hay gián đoạn nào trong các hoạt động kinh tế cũng sẽ làm giảm nhu cầu trên thị trường hàng hóa, đặc biệt là các kim loại công nghiệp và quặng sắt.
Xung đột Nga-Ukraine xấu thêm
“Nếu cuộc chiến Nga-Ukraine trở nên tồi tệ hơn và nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia trực tiếp hơn vào các hành động thù địch đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thì điều đó sẽ gây tác động khá tiêu cực”, John Vail, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Nikko Asset Management nhận định.
Theo Vail, nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp nhằm vào các đối tác thương mại của Nga, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc thì sẽ khuyếch đại tác động của các gói trừng phạt hiện tại vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt rủi ro suy thoái.
“Kịch bản đó sẽ gây ra một cú sốc nguồn cung lớn đối với thế giới về lương thực, năng lượng và các mặt hàng khác như phân bón, một số kim loại cũng như hóa chất”, ông nói.
Một kịch bản thậm chí còn đáng lo ngại hơn là việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc chiến ở Ukraine. Đây là mối đe dọa có vẻ xa vời nhưng vẫn có thể xảy ra. Kịch bản đó có thể chấm dứt hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine ngay lập tức.
Các thị trường mới nổi suy sụp
Nhiều nhà đầu tư dự báo trong năm 2023, sức mạnh của đồng đô la Mỹ sẽ giảm bớt và chi phí năng lượng cũng sẽ giảm. Đây là hai yếu tố được kỳ vọng giúp giảm bớt áp lực lên tài sản ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là tiền tệ.
Tuy nhiên, bất kỳ thất bại nào trong cuộc chiến chống lạm phát cũng sẽ làm tiêu tan triển vọng phục hồi của tiền tệ ở các thị trường mới nổi. Trong khi đó, rủi ro leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine là một trong nhiều rủi ro có thể khiến giá năng lượng tăng vọt trở lại.
Shane Oliver, Giám đốc chiến lược đầu tư và kinh tế của AMP Services Ltd., cho rằng các thị trường mới nổi có thể trải qua một năm khó khăn nữa. Giá đô la Mỹ vẫn ở mức cao và có thể tăng trở lại. Điều này sẽ gây gánh nặng tài chính đặc biệt nghiêm trọng cho chính phủ của những thị trường mới nổi đang phải gánh nhiều khoản nợ được định danh bằng độ la Mỹ.
Covid-19 tái trỗi dậy
Tình trạng tắc nghẽn các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tái diễn dẫn đến lạm phát và làm chậm hoạt động kinh tế nếu một chủng virus Covid-19 khác xuất hiện với khả năng dễ lây lan hoặc nguy hiểm hơn hoặc các biến thể hiện tại tồn tại lâu hơn.
“Chúng tôi tin rằng tác động vĩ mô của kịch bản này đối với tăng trưởng sẽ được cảm nhận rõ nhất ở các nền kinh tế lớn và những nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại”, nhà chiến lược toàn cầu Marcella Chow của JPMorgan nhận định.
Hiện tại, Chow dự báo đại dịch Covid-19 sẽ lắng xuống và hy vọng yếu tố tiêu cực trên thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào việc các nhà đầu tư định giá suy thoái ở Mỹ và châu Âu.