Bản tin TCKD ngày 01/12/2022: Thị trường hàng hoá bước sang giai đoạn khởi sắc trở lại?

By MXV, 2022 12 01,

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường hàng hoá đón nhận lực mua mạnh mẽ. Sắc xanh hoàn toàn áp đảo khi chỉ có 4 trên tổng số 31 hàng hoá nguyên liệu đóng cửa giảm giá. Điều này đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tiếp tục tăng 1,56% lên 2.488 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng tăng hơn 5,5%, đạt mức trên 5.000 tỷ đồng. Những tín hiệu rất tích cực khiến nhà đầu tư trong nước và quốc tế kỳ vọng thị trường hàng hoá đang bước sang giai đoạn khởi sắc trở lại.

Thị trường ghi nhận một loạt các mức tăng rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng đặc biệt là xăng dầu và kim loại. Trên Sở Giao dịch kim loại LME, giá nhôm tăng 4,12% lên 2.477,5 USD/tấn, giá kẽm cũng tăng hơn 3,5%.

Cùng với đó, cả đồng LME và đồng COMEX cũng đồng loạt tăng trên 2,5%. Như vậy, đồng COMEX ghi nhận tháng tăng giá đầu tiên sau 7 tháng liên tục trượt dốc, và cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Đà tăng của kim loại cơ bản liên tục được thúc đẩy trong ngày hôm qua khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm thoát khỏi chính sách Không Covid.

Trong khi đó, hai mặt hàng kim loại quý là bạc và bạch kim cũng ghi nhận các mức tăng rất ấn tượng lần lượt là 1,61% và 3,04%. Theo đó, cả hai kim loại này đã có tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp. Kim loại quý nhận hỗ trợ rất mạnh trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phát đi các thông điệp giảm tốc quá trình tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ.

Một diễn biến được thị trường rất quan tâm trong ngày hôm qua phải kể đến mức tăng vọt của giá dầu. Cụ thể, dầu WTI kỳ hạn tháng 01 năm sau trên Sở NYMEX tăng hơn 3%, lấy lại mốc 80 USD/thùng, hợp đồng dầu Brent tháng 02 trên Sở ICE tăng 3,23%, chốt ở mức 86,97 USD/thùng.

Tồn kho và sản lượng sụt giảm rất mạnh ở các quốc gia và tổ chức xuất khẩu hàng đầu đã làm sâu sắc lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và một lần nữa thúc đẩy giá dầu tăng vọt. Cụ thể, đêm qua theo giờ Việt Nam, Cơ quan Quản lý Năng lượng Mỹ (EIA) phát hành báo cáo cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại giảm mạnh 12,58 triệu thùng trong tuần vừa qua. Mức sụt giảm này thấp hơn cả dự báo của Reuters và số liệu của Viện Dầu khí Mỹ API trước đó là 7,9 triệu thùng, đồng thời cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2019. Tồn kho dầu thô thương mại Mỹ hiện chỉ còn khoảng 419,08 triệu thùng, là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022. Không những phản ánh tình trạng nguồn cung bị thắt chặt, báo cáo của EIA cũng chỉ ra rằng lượng tồn kho thấp là kết quả của việc xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong giai đoạn vừa qua.

Không chỉ Mỹ, khảo sát mới nhất của Reuters cũng cho biết, sản lượng dầu của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 11 đã giảm 710.000 thùng so với tháng 10, khi mà các thành viên cùng đồng minh tiến hành cắt giảm sản lượng trong bối cảnh triển vọng tiêu thụ kém sắc.

Tuy nhiên, trên thực tế, xét về nhu cầu tiêu thụ, thị trường hiện đang tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng tiêu thụ ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 giảm so với những ngày trước, mở ra kỳ vọng về việc các nhà chức trách sẽ sớm nới lỏng các hạn chế chống dịch nghiêm ngặt hiện tại. Trong hôm qua, Quảng Châu cũng đã tiến hành nới lỏng các quy tắc chống dịch tại một số quận.

Theo MXV, triển vọng nhu cầu tiêu thụ gia tăng trở lại, đặc biệt ở Trung Quốc, cùng với các chính sách thúc đẩy nền kinh tế của nhiều quốc gia lớn trên thế giới sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ cho thị trường khởi sắc trong tháng cuối năm này.