Bloomberg: Thị trường tài chính toàn cầu bước vào một tuần đầy bất ổn khác khi có nhiều thông tin, số liệu gây lo ngại

By Bloomberg, Caf, HHF, 2023 03 27,

Thị trường tài chính toàn cầu chuẩn bị chứng kiến một tuần nữa với nhiều "cơn gió ngược", trong bối cảnh một tháng nhiều nỗi sợ sắp khép lại. Giới đầu tư vẫn lo lắng về tình hình của các nhà băng Mỹ và châu Âu, cùng với đó là cuộc chiến chống lại lạm phát của các NHTW.


Thị trường tiền tệ sẽ đưa ra tín hiệu đầu tiên về nhu cầu đối với các loại tài sản “trú ẩn” an toàn khi châu Á bắt đầu phiên giao dịch ngày 27/3. Các nhà đầu tư sẽ để mắt đến đồng yen, đồng tiền này đã tăng giá trong 4 tuần qua, do lo ngại về “sức khoẻ” của một loạt các nhà cho vay trong thời gian gần đây. Hơn nữa, những bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây về việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Belarus. Ngoài ra, đồng AUD và NZD - vốn nhạy cảm với triển vọng tăng trưởng toàn cầu, cũng sẽ được chú ý.

Thị trường toàn cầu lại chứng kiến biến động ở phiên ngày thứ Sáu, sau khi Deutsche Bank trở thành nhà băng mới nhất thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Ngoài ra, các trader cũng có phản ứng trước việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen được triệu tập trong một cuộc họp của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính (FSOC).

Nguồn tin thân cận cho biết, các nhà chức trách Mỹ đang xem xét liệu có nên và làm cách nào để hỗ trợ First Republic Bank, giúp ngân hàng này có thêm thời gian để củng cố bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, Valley National Bancorp và First Citizens BancShares được cho là đang cạnh tranh để tiếp quản SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ hồi đầu tháng 3. Cơ quan quản lý ngân hàng của Thuỵ Sĩ cũng cho biết Credit Suisse phải đối mặt với nguy cơ bị điều tra.

Các nhà quản lý hàng đầu nước Mỹ hôm thứ Sáu cho biết dù một số ngân hàng đang gặp khó khăn, nhưng hệ thống tài chính nước này vẫn ổn định.

Những bất ổn trong ngành ngân hàng đã khiến các nhà đầu tư trái phiếu thay đổi triển vọng đối với chính sách tiền tệ. Họ không còn dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 5, trong khi NHTW Mỹ sẽ hạ lãi suất sớm nhất là vào tháng 6. Hơn nữa, giới đầu tư cũng hạ kỳ vọng với việc ECB và BOE tăng lãi suất.

Jack McIntyre - giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine Global Investment Management, cho hay: “Mọi thứ vỡ tung khi các NHTW thắt chặt quá mạnh tay. Nhưng bạn không thể cứ quá tiêu cực vì mọi thứ có thể thay đổi khá nhanh.”

Trong khi đó, một báo cáo được công bố trong tuần này có thể cho thấy thước đo chính về lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao. Điều này cũng nhắc nhở thị trường rằng Fed vẫn có thể thắt chặt chính sách để duy trì sự ổn định của giá cả và hệ thống tài chính.

Trong bối cảnh triển vọng thị trường không mấy khả quan, một thước đo mức độ biến động của trái phiếu chính phủ ngắn hạn gần đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Lợi suất trái phiếu 2 năm giao dịch ở mức 3,55% vào hôm thứ Sáu, thấp nhất kể từ tháng 9 khi các trader loại bỏ khoản đặt cược Fed tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu 2 năm giảm hơn 100 điểm cơ bản kể từ khi lần đầu tiên sau năm 2007 vượt 5% vào đầu tháng 3.

Tỷ giá đồng yen/USD.

Tháng này, đồng yen tăng khoảng 4%, cao nhất trong số đồng tiền tệ của các nước phát triển, do những biến động trên thị trường và lợi suất trái phiếu giảm mạnh khiến Nhật Bản có lợi thế khi duy trì lãi suất thấp. Các đồng tiền tệ bị ảnh hưởng bởi hàng hoá, như AUD và NZD, có diễn biến kém vượt trội.

Ed Al-Hussainy - chiến lược gia lãi suất tại Columbia Threadneedle Investments, cho biết ông dự đoán trái phiếu sẽ tăng giá khi việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khiến nền kinh tế giảm tốc. Tuy nhiên, sự biến động với tốc độ nhanh cho thấy thị trường đang ở vị thế “mong manh”.

Ông nói: “Chúng tôi trước đây dự đoán diễn biến này sẽ xảy ra trong 9 tháng tới, nhưng thực tế lại chỉ là 9 ngày. Tôi lo lắng về việc những bất ổn có thể diễn ra nhanh đến mức nào.”