Skip to content

Các lo ngại về suy thoái kinh tế có thể hỗ trợ đồng đô la

By Reuters, KTSG Online, 2022 12 09,

Đà tăng giá chóng mặt của đồng đô la Mỹ trong năm nay đã làm mất giá hàng loạt các đồng tiền khác, bào mòn lợi nhuận của các công ty. Giá đồng bạc xanh sụt giảm mạnh trong tháng trước nhưng những lo ngại về suy thoái và tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu có thể giúp đô la trỗi dậy một lần nữa trong năm tới.

Trong năm nay, động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chắp cánh cho đồng đô la Mỹ bay cao và đạt đỉnh cao nhất trong hai thập niên hồi tháng 9.
Trong khi đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là chất xúc tác chính cho đợt tăng giá mạnh mẽ của đồng đô la Mỹ trong những tháng đầu năm nay, các yếu tố khác cũng hỗ trợ đồng bạc xanh. Các nhà đầu tư đổ xô mua đô la Mỹ vì xem đây là tài sản trú ẩn an toàn trước cơn biến động của các thị trường do lạm phát toàn cầu gia tăng, giá năng lượng tăng vọt và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sức hút của đồng đô la Mỹ cũng thúc đẩy sức mạnh tương đối của nền kinh tế Mỹ trong thời điểm các lo ngại về khủng hoảng năng lượng gây tổn thương cho các tài sản ở châu Âu, và các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt Covid-19 kìm hãm tăng trưởng của Trung Quốc.

Ngay cả sau khi hạ nhiệt trong những tuần gần đây, đô la Mỹ vẫn đang hướng tới một năm tăng giá tốt nhất kể từ năm 2014. Các nhà quản lý quỹ được khảo sát bởi BoFA Global Research xem đô la Mỹ là thị trường giao dịch đông đúc trong tháng thứ năm liên tiếp tính đến tháng 11. Tỷ lệ nhà quản lý quỹ cho rằng đồng đô la Mỹ đang được định giá cao quá mức cũng ở mức cao kỷ lục.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò của Reuters với 66 nhà chiến lược ngoại hối cho thấy trong khoảng một năm tới, đô la Mỹ cũng sẽ được giao dịch ngang với mức hiện tại. Điều này ngụ ý rằng đô la Mỹ, dù có thể giảm giá tiếp trong những tháng tới, cũng sẽ sớm phục hồi.

Nhiều nhà chiến lược ngoại hối kỳ vọng chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ làm suy yếu tăng trưởng, thậm chí suy thoái ở nhiều nước và viễn cảnh này một lần nữa làm tăng sức hấp dẫn của đồng bạc xanh với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn.

Nắm bắt đúng xu hướng giá của đô la Mỹ là điều quan trọng đối với giới đầu tư, vì quỹ đạo của nó ảnh hưởng đến mọi thứ, từ lợi nhuận của các công ty cho đến đến giá nguyên liệu thô như dầu và vàng.

Đồng đô la Mỹ mạnh hơn khiến sản phẩm của các nhà xuất khẩu Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài đồng thời gây tổn thương cho các công ty đa quốc gia của Mỹ cần quy đổi lợi nhuận ở nước ngoài sang đô la Mỹ. Theo Ngân hàng Bank of America, tỷ lệ tiếp xúc với các thị trường nước ngoài của các công ty lớn nhất Mỹ trong chỉ số S&P 500 (chỉ số theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn ở Mỹ) ở mức khoảng 30%, trong đó lĩnh vực công nghệ và vật liệu là dễ bị tổn thương nhất.

Hãng đồ thể thao Nike, hãng công nghệ IBM và Meta Platforms – công ty mẹ của Facebook, nằm trong số những công ty đa quốc gia của Mỹ đã cảnh báo về tác động của đồng đô la Mỹ mạnh hơn trong năm nay đối với lợi nhuận của họ ở nước ngoài. Theo tính toán của Tom Lee, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Fundstrat Global Advisors, đà tăng giá của đô la Mỹ đã làm mất 8% lợi nhuận của các công ty trong chỉ số S&P 500 trong năm nay.

Đối với phần còn lại của thế giới, đồng tiền của Mỹ mạnh hơn sẽ gây áp lực lên giá dầu và các hàng hóa khác được định giá bằng đô la Mỹ bằng cách khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nước ngoài. Đồng thời, sức mạnh của đô la Mỹ cũng khiến các công ty và chính phủ nước ngoài vay nợ bằng đô la Mỹ tốn kém hơn để trả nợ.

Đồng bạc xanh mạnh có thể giúp chi phí nhập khẩu của Mỹ giảm, từ đó giúp hạ nhiệt giá cả tiêu dùng ở Mỹ nhưng lại khiến tiền tệ của các nước khác giảm giá, góp phần làm trầm trọng thêm lạm phát trên toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tính trung bình, đô la Mỹ tăng giá 10% sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng thêm 1%. Có những dấu hiệu cho thấy tâm lý của Phố Wall đối với đồng đô la Mỹ đang thay đổi.

Theo dữ liệu mới nhất, giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng chậm hơn dự kiến trong tháng 10. Thông tin này khiến đồng đô la Mỹ giảm 5% so với một rổ ngoại tệ chính vào tháng 11, mức giảm hàng tháng lớn nhất của đô la Mỹ kể từ năm 2010.

Trên các thị trường tương lai trong tháng 11, các nhà giao dịch đầu cơ đã chuyển sang vị thế bán ròng đô la Mỹ lần đầu tiên sau 16 tháng, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).

Việc đồng đô la Mỹ có tiếp tục giảm giá mạnh hay không có thể phụ thuộc vào việc liệu Fed có khả năng kiềm chế lạm phát đủ mức để nới lỏng chính sách tiền tệ hay không. Nếu dữ liệu công bố vào tuần tới cho thấy lạm phát của Mỹ tiếp tục dịu lại, điều này có thể khiến đô la Mỹ giảm giá thêm.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ quyết định từ cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 14-12 tới với kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại, ở 50 điểm cơ bản.

Trong dài hạn, những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế có thể là động lực điều khiển hướng di chuyển của đô la Mỹ. Gần 80% trong số các nhà chiến lược ngoại hối được Reuters thăm dò cho biết có rất ít dư địa để đồng đô la Mỹ tăng giá dựa trên chính sách tiền tệ.

Latest