Các ngân hàng thế giới xa lánh ngành than
By Refinitiv, Cafef, 2022 11 30,
Lúc này đang là thời điểm vừa tốt nhất vừa tệ nhất đối với ngành khai thác than.
Sau nhiều năm suy giảm, nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm đã tăng trở lại trong năm nay khi châu Âu tranh giành mua than để thay thế khí đốt của Nga và các công ty khai thác than đang kiếm bộn tiền.
Với giá than đạt mức cao kỷ lục, thông thường các công ty sẽ mở rộng hoạt động, nhưng các dự án đang bị bỏ ngỏ vì hầu hết các ngân hàng phương Tây đều cam kết hạn chế cho vay đối với những lĩnh vực liên quan đến biến đổi khí hậu.
Gerhard Ziems, giám đốc tài chính của công ty khai thác than Úc Coronado Global Resources Inc cho biết: "Nếu bạn là doanh nghiệp đang có ngân hàng thì điều đó dễ dàng hơn. Còn nếu bạn muốn thực hiện một dự án khai thác mỏ mới, hãy quên điều đó đi vì đó là điều bất khả thi".
Nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch hiện đang cao đến mức một số công ty khai thác nói rằng họ đang bán than luyện cốc được các nhà sản xuất thép sử dụng cho các công ty điện lực. Than nhiệt - có giá trị thấp hơn, được sử dụng trong các nhà máy điện - lần đầu tiên được giao dịch với mức giá cao hơn so với giá than luyện cốc vào tháng Sáu vừa qua.
"Đó là một tình huống điên rồ," ông Ziems của Coronado nói, ví điều đó giống như giao dịch bạc với giá cao hơn vàng.
Giá than nhiệt tiêu chuẩn Newcastle của Úc đã giảm xuống ở mức khoảng 50 USD/tấn vào đầu năm 2020 trước khi tăng lên trên 150 USD/tấn vào đầu năm 2022. Sau đó, giá đột ngột tăng vọt lên mức cao kỷ lục trên 400 USD/tấn vào tháng 9 khi các quốc gia ráo riết tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga. Mặc dù giá hiện đã giảm khỏi mức cao kỷ lục đó, song vẫn gần sát mức cao nhất trong lịch sử.
Nhưng với việc các ngân hàng phương Tây chịu áp lực từ các cổ đông trong việc thể hiện hành động đối với biến đổi khí hậu, các giám đốc điều hành ngành than cho biết họ đang phải tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế để tận dụng bối cảnh thuận lợi hiện tại.
Cánh cửa vào ngành khai thác than mới đóng kín
Đối với một số người, đó thậm chí chỉ là vấn đề tìm người cho vay đối với các dịch vụ tài chính cơ bản.
Ngay sau khi công ty khai thác Bắc Mỹ Bens Creek Group niêm yết trên sàn AIM của London vào tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds đã rút các dịch vụ ngân hàng khỏi công ty do thay đổi chính sách liên quan đến than.
Vào tháng 2, Lloyds cho biết họ sẽ ngừng tài trợ cho các công ty khai thác tạo ra hơn 5% doanh thu từ than nhiệt vào cuối năm nay và sẽ không còn cung cấp dịch vụ ngân hàng đa năng cho các khách hàng sử dụng than luyện cốc mới.
Các nhà quản lý của Bens Creek đã phải mất hàng tháng trời và hàng chục lần bị từ chối trước khi mở được tài khoản ngân hàng tại chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ ở Anh. Giám đốc điều hành của Bens Creek, Adam Wilson, nói: "Vào năm ngoái, không ai gặp phải những vấn đề này".
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Minergy Limited, một công ty khởi nghiệp được niêm yết ở Botswana và đang tìm nguồn tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của mình.
Morne du Plessis, Giám đốc điều hành của Minergy cho biết: "Chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn trong giai đoạn này, nhưng không có sẵn ngân hàng thương mại quan tâm tới chúng tôi".
Công ty hiện đang tìm cách giảm nợ và tài trợ cho dự án tăng gấp đôi công suất khai thác hàng năm lên khoảng 3 triệu tấn than bằng cách bán thêm cổ phiếu, cũng như niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn vào năm tới.
Ông Du Plessis cho biết Minergy đã rất chật vật để đảm bảo các dịch vụ ngân hàng đơn giản, chẳng hạn như thấu chi hoặc cho vay để mua xe. "Bởi vì chúng tôi kinh doanh than đá, bởi vì chúng tôi là một doanh nghiệp khởi nghiệp, họ thậm chí sẽ không xem xét điều đó," ông nói.
Trung Quốc là ngoại lệ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết bất chấp áp lực đối với các nhà cho vay phương Tây, các khoản đầu tư toàn cầu vào cung cấp than dự kiến sẽ tăng khoảng 10% trong năm nay lên 116 tỷ USD, dẫn đầu là Trung Quốc.
Chủ yếu nhờ vào Trung Quốc, đầu tư cho than trong năm nay dự kiến sẽ bằng với năm 2015.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc tiêu thụ hầu hết lượng than mà nước này khai thác, vì vậy việc tăng sản lượng ở nước này dường như không có nhiều tác động đến lượng than được giao dịch trên thị trường toàn cầu - hoặc tới mức giá than đang cao ngất ngưởng hiện nay.
Với việc khó huy động vốn từ các ngân hàng phương Tây, các công ty khai thác than bên ngoài Trung Quốc năm nay đã chuyển hướng sang thị trường chứng khoán nhiều hơn.
Tính đến ngày 11 tháng 11, họ đã huy động được 2,2 tỷ đô la thông qua các thị trường đại chúng, tăng từ 1,3 tỷ đô la trong cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong khoảng thời gian kể từ năm 2017, dữ liệu của Refinitiv cho thấy.
Nhưng các nhà phân tích cho biết việc huy động vốn không đủ để bù đắp khoản cho vay hàng tỷ đô la của các ngân hàng phương Tây đã biến mất trong vài năm qua.
Nhóm vận động hành lang môi trường Reclaim Finance cho biết 96 ngân hàng hiện có chính sách hạn chế các dịch vụ tài chính đối với ngành than.
Ngân hàng phương Tây cho các công ty khai thác than vay lớn nhất vào năm 2020 là Deutsche Bank với 538 triệu đô la, tiếp theo là Citi với 300 triệu đô la. Đến năm 2021, con số đó đã giảm xuống còn 255 triệu đô la cho Deutsche và 218 triệu đô la cho Citi, theo dữ liệu do Reclaim Finance tổng hợp.
Người phát ngôn của Deutsche cho biết: "Đối với khai thác than nhiệt, bất kỳ giao dịch nào trong khai thác than đều yêu cầu đánh giá rủi ro môi trường nâng cao".
Giờ đây, các công ty phụ thuộc vào than đá với hơn 50% doanh thu phải đưa ra các kế hoạch đa dạng hóa đáng tin cậy để nhận được tài trợ từ Deutsche. các công ty không có kế hoạch như vậy sẽ bị loại khỏi danh mục đầu tư của ngân hàng vào năm 2025.
Một số ngân hàng bao gồm ANZ, Bank of Montreal, Barclays, BNP Paribas, Commonwealth Bank, Santander, Standard Chartered, RBC và UniCredit đã tài trợ cho các công ty khai thác than vào năm 2020 nhưng không tài trợ vào năm 2021, dữ liệu của Reclaim Finance cho thấy.
Tham khảo: Refinitiv