Châu Âu dễ thất bại trong áp giá trần dầu Nga, Trung Quốc và Ấn Độ mừng ra mặt vì tiếp tục "ngư ông đắc lợi"
By Cafef, 222 11 27,
Ấn Độ và Trung Quốc - 2 khách hàng lớn của dầu Nga dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi về dầu thô trước diễn biến cấm vận và áp giá trần dầu Nga.
Về vấn đề áp giá trần dầu Nga, các chuyên gia chỉ ra rằng hành động này sẽ chỉ có tác động không đáng kể đối với Nga, thay vào đó sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Ấn Độ - 2 trong số những khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga.
Giá trần sẽ được áp từ ngày 5/12 tới đây, cùng thời điểm với lệnh cấm từ châu Âu đối với dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển. Các công ty châu Âu sẽ bị cấm bán bảo hiểm cho các chuyến tàu chở dầu của Nga. Hành động này nhằm mục đích duy trì nguồn cung của Nga trên thị trường nhưng vẫn ngăn giá tăng đột biến trong khi giảm doanh thu xuất khẩu của Nga trong bối cảnh xung đột tại Ukraine.
Với mức giá trần được áp dụng khoảng 65 - 70 USD/thùng, Nga có thể yên tâm phần nào bởi mức giá này không khác là bao so với giá mà họ đang giao dịch ngoài thị trường. Khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ hoặc thậm chí những người mua châu Á khác sẽ không nhất thiết phải tuân thủ theo mức giá trần bởi...cao hơn so với giá mà họ hiện đang trả, nhà nghiên cứu dầu mỏ Gregory Brew cho biết. Ông nhấn mạnh rằng dầu thô Urals của Nga đã được bán với giá thấp hơn khoảng 25 USD so với giá dầu Brent, tương đương khoảng 60 USD/thùng.
Có một số ý kiến cho rằng nên áp gần với giá sản xuất dầu thô của Nga - khoảng 20 USD/thùng. Tuy nhiên mức giá này có thể sẽ kích hoạt việc cắt giảm sản xuất đơn phương từ Moscow, khiến giá tăng cao hơn, Brew giải thích.
Ông nói: “Khách hàng của Nga có thể đàm phán các điều khoản rất có lợi từ các công ty dầu mỏ của Nga, những người phải bán để duy trì hoạt động. Ngay cả khi giá trần không hoàn toàn hiệu quả trong việc giảm giá mà Nga có thể bán thì có Ấn Độ, Trung Quốc và các khách hàng khác sẽ có thể trả giá thấp hơn cho dầu thô của Nga."
Một số người mua ở châu Á gần đây đã tạm dừng mua dầu của Nga để chờ xem giới hạn giá sẽ chốt hạ ở mức nào.
Theo Livia Gallarati, nhà phân tích dầu mỏ cấp cao tại Energy Aspects, việc giới hạn giá có thể gây tranh cãi vì Moscow đã tuyên bố trong nhiều tháng rằng họ sẽ không giao dịch với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ nó. Điều đó có thể gây rủi ro cho khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ khi đồng ý với các thông số mới.
"Chúng tôi nghĩ người Nga sẽ giữ lời hứa của họ về điều đó bởi việc đồng ý với mức giá trần sẽ tạo tiền lệ cho việc người mua được tự quyết định mức giá", Gallarati nói thêm.
Động lực duy nhất cho người mua châu Á phải tuân theo giới hạn là họ cần duy trì khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển châu Âu. Vòng trừng phạt của EU vào tháng tới sẽ cấm các dịch vụ đó đối với hàng hóa dầu mỏ của Nga, ngay cả đối với những người mua bên ngoài châu Âu, trừ khi họ cam kết với mức giá trần.
Tuy nhiên không có gì đảm bảo rằng các công ty vận tải châu Âu thậm chí sẽ muốn xử lý dầu của Nga, bất kể giá trần là bao nhiêu, bà nói thêm. Cuối cùng, động thái này dường như không có tác động lớn đến thị trường dầu mỏ, theo quan điểm của bà. Gallarati cho biết, các quốc gia đã đăng ký mức trần là những quốc gia đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu của Nga.
"Nếu Nga tiếp tục bán ở mức mà họ đang bán hiện nay thì không có quốc gia nào thực sự cần phải chính thức đăng ký mức giá trần vì dù sao thì họ cũng sẽ nhận được mức chiết khấu đó," bà nói thêm.
Theo BI