By Cafef, 2022 11 25,
Giá LNG tại châu Á tăng lên mức cao kỉ lục trong hơn 7 tuần vừa qua trong bối cảnh cuộc chiến năng lượng vẫn đang liên tục xoay chiều
Cuộc chiến năng lượng vẫn chưa có hồi kết khi châu Âu vẫn chưa thống nhất đưa ra quyết định về mức giá áp giá trần năng lượng của Nga. Trong thời gian vừa qua, Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt đến châu Âu mặc dù nguồn năng lượng này không bị trừng phạt. Đây là động thái đáp lại của Nga trước lệnh trừng phạt của châu Âu đối với dầu thô và các sản phẩm dầu thô có nguồn gốc từ Nga. Những động thái trên đã gây ra những biến động mạnh trên thị trường LNG toàn cầu.
Việc châu Âu "tất tay" gom khí đốt trên khắp các châu lục và sẵn sàng trả giá cao đã khiến các quốc gia châu Á khó tiếp cận được nguồn cung LNG do các thương nhân ưu tiên bán các lô hàng giao ngay cho châu Âu để "hốt bạc". Không chỉ vậy, các quốc gia nghèo cũng không có khả năng chi trả các lô hàng LNG đắt đỏ hơn hàng chục lần và phải đối mặt với tình trạng thiếu điện như Pakistan. Lần đầu tiên, các quốc gia mới nổi như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh về giá với Đức và các nền kinh tế khác gấp nhiều lần quy mô của họ.
Cuộc cạnh tranh khí đốt vẫn chưa dừng lại khi các lô hàng LNG dài hạn cũng đã bán hết đến năm 2026 và các kế hoạch khai thác mới cũng cần thêm rất nhiều thời gian để có thể cung cấp ra thị trường.
Không chỉ gặp khó về nguồn cung, giờ đây châu Á lại tiếp tục "vạ lây" từ cuộc đua năng lượng này. Theo S&P Global, giá khí tự nhiên hóa lỏng giao ngay tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần vừa qua kể từ đầu tháng 10 do lo ngại gián đoạn sản xuất và thời tiết lạnh hơn tại các thị trường trọng điểm sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn cung. Giá LNG giao ngay tiêu chuẩn Bắc Á đã tăng hơn 20% trong tuần này lên mức 35,24 USD/mBTU.
Không chỉ các vấn đề xoay quanh EU và Nga, thị trường còn đang bị tác động bởi việc ngừng hoạt động liên tục tại một nhà máy xuất khẩu quan trọng của Mỹ và dự báo thời tiết lạnh giá ở châu Âu sẽ thúc đẩy cạnh tranh toàn cầu về nhiên liệu trong mùa đông này, hạn chế các chuyến hàng đến châu Á.
Trong khi các nhà nhập khẩu LNG ở Bắc Á như Nhật Bản và Trung Quốc lạc quan rằng họ đã đảm bảo đủ nhiên liệu cho mùa đông thì những nỗi lo về nguồn cung vẫn eo hẹp và các đợt lạnh đột ngột ở những quốc gia này có thể nhanh chóng làm cạn kiệt kho dự trữ. Trong khi đó, châu Á đang cạnh tranh trực tiếp với châu Âu đang thiếu năng lượng để giành lấy lượng LNG sẵn có ngày càng cạn kiệt.
Giá cũng đang được đẩy lên cao hơn bởi Shell Plc, nhà kinh doanh LNG lớn nhất thế giới đã đấu thầu để đảm bảo các chuyến hàng giao ngay cho Trung Quốc vào tháng Giêng.
Theo Bloomberg, S&P