Diễn biến Thị trường Lúa Mì Quốc tế ngày 03/04/2024
LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 5 từng tăng gần 1% trong đầu phiên giao dịch Mỹ do hoạt động mua kỹ thuật của các quỹ sau phiên giảm trước đó, tuy nhiên sang nửa sau của phiên, giá lúa mỳ CBOT quay đầu giảm và chốt phiên suy yếu 2,1% so với phiên giao dịch trước do: (i) Điều kiện phát triển cây lúa mỳ vụ đông của Mỹ ở mức cao nhất trong vòng 5 năm và nông dân Mỹ đang vào vụ thu hoạch với 4% diện tích đã hoàn thành; (ii) Dự báo thời tiết tại Mỹ thuận lợi cho việc gieo trồng lúa mỳ vụ xuân; (iii) Áp lực nguồn cung toàn cầu lớn, trong khi nhu cầu của các nhà nhập khẩu Á/Phi chưa có nhiều cải thiện; (iv) Giá lúa mỳ Matif kỳ hạn tháng 5 giảm gần 1% so với phiên giao dịch trước đó. Ngoài ra đà suy yếu của thị trường chứng khoán với chỉ số Dow Jones sụt gần 400 điểm cũng phần nào tạo áp lực cho giá lúa mỳ.
Ấn Độ: Theo Cơ quan dịch vụ nông nghiệp nước ngoài trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (FAS/USDA), Ấn Độ có thể sẽ nhập khẩu lúa mì trong năm 2024/25 (bắt đầu vào tháng 4/2024) bất chấp dự báo về sản lượng lúa mì kỉ lục trong năm 2024. Nhập khẩu lúa mì 2024/25 của Ấn Độ có thể đạt tổng cộng 2 triệu tấn do nhu cầu trong nước ổn định, dự trữ lúa mì của chính phủ giảm và giá lúa mì thế giới tương đối thấp. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu ròng kể từ năm 2017/18. Sản lượng lúa mì của Ấn Độ trong năm 2024 có thể tăng lên 112,5 triệu tấn nhờ diện tích trồng lớn và thời tiết thuận lợi, cao hơn mức khoảng 110,6 triệu tấn năm trước.