LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 7 bật tăng mạnh trong cuối phiên giao dịch châu Á và đầu phiên giao dịch châu Âu và có lúc leo lên mức 615 cent/giạ- cao hơn 2,2% so với phiên giao dịch trước đó sau thông tin Nga đã tiến hành một đợt tấn công bằng tên lửa vào khu vực chỉ huy quân sự cũng như cơ sở hạ tầng xuất khẩu quan trọng tại cảng Odesa (Ucraina) làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung tại Biển Đen. Đây là cuộc tấn công bằng tên lửa lần thứ 3 của Nga vào Odesa trong ba ngày qua. Cũng theo ước tính, vụ thu hoạch ngũ cốc của Ucraina dự kiến sẽ giảm 25% so với năm ngoái do ảnh hưởng của cuộc chiến. Ngoài ra, những lo ngại về thời tiết thiếu mưa tại miền Nam nước Nga- khu vực trồng lúa mì lớn nhất, cũng phần nào kéo giá lúa mỳ đi lên. Sang tới phiên giao dịch Mỹ, giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 7 quay đầu hạ nhiệt trở lại và chốt phiên ở mức 606 cent/giạ, chỉ còn tăng 0,8% so với phiên giao dịch trước đó. Nguyên nhân kéo giá lúa mỳ đi xuống: (i) Hoạt động bán chốt lời của các quỹ khi giá lên cao; (ii) Doanh số bán lúa mỳ Mỹ 2023/24 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/04 giảm so với tuần trước và giảm so với mức trung bình 4 tuần. Theo USDA, trong tuần kể trên có 135.100 tấn lúa mỳ Mỹ bị huỷ mua, chủ yếu là các điểm đến chưa xác định. Với niên vụ 2024/25, doanh số bán lúa mỳ trong tuần kể trên lại cải thiện 9% so với tuần trước đó; (iii) Dự báo thời tiết tại Mỹ có mưa rải rác tại các khu vực phía Nam, hỗ trợ cho sự phát triển của cây lúa mỳ vụ đông; (iv) Nguồn cung lúa mỳ từ Nga lớn, gây áp lực cho thị trường.
Trong bản báo cáo tháng công bố hôm 3/5/2024 của Mạng lưới thông tin thị trường nông nghiệp trực thuộc Tổ chức nông lương thế giới (FAO-AMIS), sản lượng lúa mỳ toàn cầu 2023/24 ước đạt 788,4 triệu tấn, cao hơn một chút so với mức 787,8 triệu tấn trong báo cáo tháng 4 nhưng giảm 2,2% so với mức 806,2 triệu tấn niên vụ 2022/23 do sự sụt giảm tại Australia, Kazakhstan và Nga. Tiêu thụ lúa mỳ toàn cầu ước đạt 794,1 triệu tấn, giảm 0,16% so với ước tính trong báo cáo tháng 4 tại mức 795, 4 triệu tấn và cao hơn 1,8% so với niên vụ 2022/23. FAO cho rằng điều này là do sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng thức ăn chăn nuôi.