LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 9 quay đầu suy yếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch và chốt phiên để mất 1,6% so với phiên giao dịch trước. Đà giảm của giá lúa mỳ tới từ: (i) Hoạt động bán chốt lời của các quỹ sau phiên tăng mạnh trước đó; (ii) Áp lực nguồn cung vụ thu hoạch lúa mỳ vụ đông tại Mỹ và số liệu điều kiện phát triển cây trồng vụ đông trong tuần kết thúc ngày 30/06 tuy giảm 1% so với tuần trước nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; (iii) Chất lượng cây trồng vụ xuân trong tuần kể trên cải thiện 1% so với tuần trước; (iv) Đà suy yếu lan toả của giá dầu thô. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ CBOT vẫn nhận được sự nâng đỡ phần nào do lo ngại thời tiết nóng khô vào giữa tháng 7 tại khu vực Biển Đen gây bất lợi cho cây trồng.
Theo cơ quan giám sát mùa vụ liên minh châu Âu (MARS), sản lượng lúa mì 2024/25 của Nga dự báo đạt 82,5 triệu tấn, thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình 5 năm và giảm mạnh so với mức 93,6 triệu tấn năm 2023/24 do sản lượng lúa mì vụ đông sụt giảm trong bối cảnh việc gieo trồng lúa mì vụ đông bị trì hoãn bởi thời tiết bất lợi và sản lượng bị thiệt hại vì tình trạng sương giá nghiêm trọng ở vùng Volga và sương giá trái mùa vào tháng 5 ở miền Trung và miền Nam nước Nga. Ngoài ra, tình trạng hạn hán ở miền nam nước Nga kết hợp với đợt nắng nóng vào tháng 6 vừa qua cũng càng làm giảm triển vọng năng suất các loại ngũ cốc vụ đông.