LÚA MỲ: Cũng giống như ngô, giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 7 cũng có xu hướng tăng mạnh trong đầu phiên giao dịch Mỹ và có lúc leo lên vùng 697,6 cent/giạ- cao hơn 2,8% so với phiên giao dịch cuối tuần trước do những lo ngại tiếp diễn về sản xuất tại Nga. Mặc dù nhận được lượng mưa rải rác trong vài ngày gần đây, tuy nhiên do nền nhiệt tăng nhanh nên các diện tích gieo trồng lúa mỳ chủ lực của nước này vẫn trong tình trạng khô hạn. Dự báo trong đầu tháng 6, lượng mưa tại khu vực miền Nam và miền Trung của Nga tiếp tục hạn chế và nền nhiệt duy trì trên 30 độ C, gây ảnh hưởng xấu tới cây trồng. Thêm nữa, việc đồng đô la Mỹ giảm giá có ích cho xuất khẩu cùng số liệu xuất khẩu lúa mỳ Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/05 cải thiện hơn 4% so với tuần trước đó cũng phần nào nâng đỡ giá lúa mỳ. Tuy nhiên sang nửa cuối của phiên giao dịch, giá lúa mỳ quay đầu suy yếu và kết phiên ở mức 672,6 cent/giạ- giảm 0,9% so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Mức giảm của giá lúa mỳ chủ yếu do hoạt động bán chốt lời của các quỹ khi giá lên cao và đà suy yếu của thị trường dầu thô với mức giảm 3%. Trong báo cáo mùa vụ của Bộ NN Mỹ, thu hoạch lúa mỳ vụ đông 2023/24 nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái, chất lượng cây trồng cải thiện so với tuần trước và cao hơn kỳ vọng của thị trường. Gieo trồng lúa mỳ vụ xuân 2024/25 cũng sắp hoàn thành với 94% diện tích, nhanh hơn so với tiến độ của năm ngoái nhưng vẫn chậm hơn 1% so với kỳ vọng của thị trường. Chất lượng cây trồng vụ xuân cũng cải thiện hơn nhiều so với vụ 2023/24.
Xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 30/05 đạt 416 nghìn tấn, tăng 4% so với tuần trước đó và nằm trong khoảng kỳ vọng của thị trường từ 250-450 nghìn tấn. Tính lũy kế giai đoạn 01/06/2023-30/05/2024 của năm marketing 2023/24, xuất khẩu lúa mỳ Mỹ đã đạt gần 19 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 89% mức 21 triệu tấn dự kiến xuất khẩu cho cả niên vụ.