LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 12 có xu hướng đi lên trong phiên giao dịch châu Âu nhờ hoạt động mua kỹ thuật của các quỹ và việc các nhà nhập khẩu Hàn Quốc ra đấu thầu mua lúa mỳ. Ngoài ra hỗ trợ từ thị trường dầu thô và đồng đô la Mỹ giảm giá cũng giúp giúp lúa mỳ tăng điểm. Sang phiên giao dịch Mỹ, giá lúa mỳ quay đầu suy yếu trở lại và chốt phiên giảm nhẹ 1,6 cent/giạ so với phiên trước. Mức giảm của giá lúa mỳ do: (i) Tại khu vực phía nam đồng bằng nước Mỹ dự kiến sẽ có mưa với lượng mưa đạt khoảng 1-3inch vào cuối tuần này, giúp giảm bớt căng thẳng do hạn hán gây ra lên cây lúa mỳ; (ii) Doanh số bán lúa mỳ tại Mỹ niên vụ 2024/25 trong tuần kết thúc ngày 31/10 giảm 9% so với tuần trước đó; (iii) Nguồn cung lúa mỳ Argentina dồi dào nhờ vụ thu hoạch, gây một phần áp lực cho lúa mỳ nguồn gốc khác. Tuy nhiên mức giảm của giá lúa mỳ cũng được thu hẹp phần nào nhờ lực kéo từ thị trường ngô và thị trường đậu tương.
Theo ước tính đầu tiên không chính thức của USDA về diện tích cây trồng niên vụ 2025/26, diện tích lúa mỳ 2025 của Mỹ hầu như không đổi so với năm 2024 với 46,0 triệu mẫu, chỉ thấp hơn 0,1 triệu mẫu so với năm 2024 nhưng thấp hơn 3,6 triệu mẫu so với năm 2023.