LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 9 có xu hướng đi lên trong phiên châu Âu và từng tăng lên mức 544,4 cent/giạ- cao hơn 1% so với phiên giao dịch trước sau thông tin hãng phân tích Strategie Grains dự đoán sản lượng lúa mì hạt mềm 2024/25 của EU có thể đạt mức thấp nhất trong 6 năm. Sang tới phiên Mỹ, giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 9 quay đầu suy yếu và chốt phiên trong sắc đỏ do chịu áp lực bởi: (i) Doanh số bán lúa mỳ Mỹ trong tuần kết thúc ngày 01/08 giảm 4% so với tuần trước và thấp hơn 23% so với mức trung bình 4 tuần; (ii) Theo ước tính trước thềm Báo cáo WASDE vào đêm thứ 2 tuần tới theo giờ Việt Nam, tồn kho lúa mỳ Mỹ 2024/25 ước tính đạt 859 triệu giạ, tăng 3 triệu giạ so với ước tính hồi tháng 7 do sản lượng dự kiến tăng; (iii) Đồng đô la Mỹ tăng giá cản trở xuất khẩu. Tuy nhiên mức giảm của giá lúa mỳ cũng đã được hạn chế phần nào nhờ đà đi lên của thị trường dầu thô và chứng khoán cùng số diện tích cây lúa mỳ mùa xuân chịu hạn hán tăng so với tuần trước. Theo cơ quan dự báo hạn hán Mỹ, tính tới 06/08, diện tích cây lúa mỳ vụ xuân chịu hạn hán ở mức 18%, tăng 2% so với tuần trước và thấp hơn nhiều so với mức 52% của cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán lúa mỳ niên vụ 2024/25 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 01/08 đạt 274 nghìn tấn, giảm 4% so với tuần trước đó và nằm trong khoảng kỳ vọng của thị trường từ 250-550 nghìn tấn. Những nhà nhập khẩu lớn nhất là Đài Loan, Nhật Bản, Ecuador, Mexico… Theo đó, tính lũy kế doanh số bán lúa mỳ niên vụ 2024/25 (01/06/2024) đến ngày 01/08/2024 đã đạt gần 9 triệu tấn, tăng 34% với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 38% mức 22,5 triệu tấn dự kiến xuất khẩu cho cả niên vụ.