LÚA MỲ: Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 7 có xu hướng đi xuống trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch và có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng. Mức giảm của giá lúa mỳ chủ yếu tới từ áp lực nguồn cung tại Mỹ do thu hoạch đang được đẩy nhanh và đà đi xuống của lúa mỳ châu Âu trong bối cảnh thời tiết có mưa cải thiện tại Nga giúp giảm bớt những lo ngại về căng thẳng do hạn hán gây ra trước đó. Theo công ty tư vấn IKAR của Nga, sản lượng lúa mỳ của nước này trong niên vụ mới có thể đạt 82 triệu tấn, cao hơn mức 81,5 triệu tấn ước tính trước đó và 80,5 triệu tấn của SovEcon. Thêm nữa việc diện tích gieo trồng lúa mỳ niên vụ 2024/25 của Argentina được BAGE ước tính tăng thêm 100.000 ha và việc đồng đô la Mỹ tăng giá gây cản trở xuất khẩu cũng phần nào tạo áp lực nên giá. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ CBOT lại nhận được sự nâng đỡ của giá dầu thô, thông tin Nhật Bản đã ra đấu thầu mua lúa mỳ Mỹ và tình trạng hạn hán với lúa mỳ vụ đông của nước này tăng thêm 1% so với tuần trước. Kết phiên giao dịch, giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 7 ở mức 572,6 cent/giạ- giảm 1,5% so với phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ. Báo cáo doanh số xuất khẩu của Mỹ sẽ phát hành vào đêm nay theo giờ Việt Nam, trước báo cáo, thị trường kỳ vọng doanh số xuất khẩu lúa mỳ Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/06 sẽ đạt 200-500 nghìn tấn, tuần trước đó là 224 nghìn tấn.
Theo số liệu của Cơ quan giám sát hạn hán Mỹ, tính tới ngày 18/06 có 17% diện tích lúa mỳ vụ đông chịu hạn hán, cao hơn 1% so với tuần trước. Diện tích lúa mỳ vụ xuân chịu hạn hán ở mức 3%, không đổi so với tuần trước.