Skip to content

Fed đưa lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm, không giảm trước 2024

By WS, KTSG, 222 12 15,

Đúng như kỳ vọng của thị trường, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ với quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5 điểm phần trăm) sau bốn lần liên tiếp tăng ở mức 75 điểm. Tuy nhiên, các quan chức Fed báo hiệu họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa để chống lạm phát vốn đang duy trì ở mức cao dù đã hạ nhiệt trong thời gian gần đây.

Tại cuộc họp hôm 14-12, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed cần thêm bằng chứng đáng kể để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững. Ảnh: Getty

Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, hôm 14-12, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo tăng chi phí vay thêm 0,5 điểm phần trăm, đưa biên độ lãi suất chuẩn lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.

Hầu hết các quan chức Fed dự báo lãi suất sẽ tăng lên biên độ cao nhất là 5-5,5% trong năm tới. Đây là sự thay đổi đáng kể so với hồi tháng 9 khi họ dự kiến mức đỉnh lãi suất vào cuối năm sau sẽ ở mức 4,6%.

Các quan chức Fed hầu như không thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với tuyên bố chính sách sau cuộc họp. Họ tiếp tục khẳng định sẽ tăng lãi suất lên mức thích hợp.

Hầu hết họ dự báo lạm phát cơ bản hàng năm, loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, sẽ giảm từ mức  5% trong tháng 10, xuống còn 3,5% vào cuối năm tới. Hồi tháng 9, họ dự báo lạm phát cốt lõi sẽ giảm về 3% vào cuối năm 2023.

Các quan chức Fed cho biết họ chống lạm phát chủ yếu bằng cách làm chậm nền kinh tế thông qua các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, chẳng hạn như chi phí đi vay cao hơn, giá cổ phiếu thấp hơn và đồng đô la Mỹ mạnh hơn, để hạn chế nhu cầu. Lãi suất chuẩn cho vay qua đêm của Fed ảnh hưởng đến các chi phí vay khác trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm lãi suất trên thẻ tín dụng, cho vay thế chấp và cho vay mua ô tô.

Việc Fed tăng mạnh lãi suất trong năm nay đã ảnh hưởng đến giá cả các tài sản và dẫn đến sự trì trệ đáng kể trong các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như nhà ở. Nhưng trong những tuần gần đây, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ dài hạn đã giảm khi giới đầu tư dự đoán đà tăng lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh chóng trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến cơn suy thoái tiềm tàng.

Các dự báo kinh tế được công bố hôm 14-12 cho thấy các quan chức Fed kỳ vọng nỗ lực tăng lãi suất sẽ làm chậm nền kinh tế trong năm 2023 và đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên 4,6%, từ mức 3,7% trong tháng 11-2022. Trong lịch sử, tỷ lệ thất nghiệp tăng ở mức cao trong tình hình như vậy thường diễn ra đồng thời với cơn suy thoái kinh tế.

Nhiều quan chức Fed đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Hầu hết họ dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 0,5% vào năm tới trước khi tăng tốc vào năm 2024. Trong những tuần gần đây, các quan chức Fed báo hiệu rằng họ đang bước vào một giai đoạn thắt chặt chính sách mới và họ sẽ cố gắng đánh giá xem họ cần tăng lãi suất cao hơn bao nhiêu.

Tại cuộc họp hồi tháng trước, các quan chức Fed đã nhất trí tăng lãi suất chậm lại bắt đầu từ tuần này để đánh giá tốt hơn về sự ảnh hưởng của chính sách của họ đối với nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho biết tác động từ việc tăng lãi suất thường có độ trễ dài, có nghĩa là các ngân hàng trung ương có thể không biết được trong một năm hoặc hơn họ đã thắt chặt như thế nào, quá nhiều hay chưa đủ.

Việc tăng lãi suất mạnh đã khiến lãi suất điều chỉnh theo lạm phát, hay nói cách khác là lãi suất thực cao hơn 0 đối với tất cả khoản vay, trừ những khoản vay ngắn hạn. Các quan chức Fed tin rằng lãi suất thực dương là cần thiết để làm chậm lại nền kinh tế.

Dữ liệu được công bố kể từ cuộc họp tháng 11 của Fed đã cung cấp một bức tranh đan xen về nền kinh tế Mỹ. Trong khi nhu cầu trong nước chậm lại và thị trường nhà ở đang bước vào thời kỳ suy yếu, thị trường việc làm vẫn mạnh mẽ và giá xăng giảm có thể giúp duy trì sức mua của người tiêu dùng.

“Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là lãi suất tăng đã không làm đổ vỡ bất cứ thứ gì. Nó không phá vỡ nền kinh tế và phá vỡ thị trường tài chính”, Christopher Waller, thành viên Hội đồng thống đốc của Fed, cho biết vào tháng trước khi đề cập đến lãi suất tích lũy.

Lạm phát của Mỹ đã chậm lại trong hai tháng qua. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,1% so với một năm trước đó, Bộ Lao động Mỹ biết hôm 13-12.

Fed rất chú ý đến CPI cốt lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, và xem đây như một yếu tố quan trọng để dự đoán lạm phát trong tương lai sẽ tốt hơn so với lạm phát tổng thể. Trong ba tháng qua, CPI cốt lõi đã tăng với tốc độ trung bình 4,3%, mức thấp nhất trong hơn một năm.

Vẫn chưa có sự đồng thuận về việc tăng lãi suất cao hơn bao nhiêu và thời gian duy trì mức lãi suất cao. Điều này có thể khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell khó giữ vững quan điểm trong bối cảnh không chắc chắn về triển vọng lạm phát và tiền lương.

“Dữ liệu lạm phát trong tháng 10 và 11 cho thấy tốc độ tăng giá hàng tháng đang giảm và đây là điều đáng hoan nghênh. Nhưng sẽ cần thêm bằng chứng đáng kể để tin rằng lạm phát đang trên đà đi xuống bền vững”, ông Powell nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

Phố Wall đã phản ứng thất vọng với các thông điệp của Fed sau cuộc họp chính sách, đặc biệt là dự báo về việc sẽ tăng lãi suất lên mức hơn 5% trong năm tới. Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều lần lượt giảm 0,42%, 0,61% và 0,76% vào lúc thị trường đóng cửa.

Latest