By Cafef, Nikkei Asia, 2022 11 28,
Trong bối cảnh giá đồng đã giảm mạnh kể từ khi lập đỉnh vào hồi tháng 2, động thái của các ông lớn đang khiến các nhà phân tích ngày càng tích cực về kim loại quan trọng này.
Thị trường đồng gần đây đã biến động trái chiều trước những thông tin về những ông lớn trong ngành. Gần đây nhất BHP - gã khổng lồ tài nguyên tại Úc đã nâng giá chào mua công ty khai thác đồng OZ Minerals trong tháng này lên 9,6 tỷ AUD, tương đương 6,4 tỷ USD sau khi bị từ chối trước đó với mức giá 8,3 tỷ AUD hay 5,8 tỷ USD.
Động thái này của ông lớn trong ngành kim loại đã ngầm trả lời cho câu hỏi về kỳ vọng giá đồng trong dài hạn như thế nào. Gã khổng lồ này đang rất lạc quan về thị trường đồng - trái ngược hoàn toàn với những nguồn tài nguyên khác như dầu mỏ hay than.
Đại diện công ty BHP cho biết: "Đề xuất về mức giá mới của công ty sẽ mang lại giá trị cho các cổ đông của BHP bằng cách tăng khả năng tiếp cận với những mặt hàng hướng tới tương lai và có sức hấp dẫn nhất định. Bổ sung vào hệ thống những lựa chọn tăng trưởng của chúng tôi." Chủ tịch Ken MacKenzie cho biết trong một tuyên bố khi BHP đưa ra mức giá mà họ gọi là đề nghị tốt nhất và cuối cùng vào tháng 11.
Mức giá thầu mới là 28,25 AUD/cp, cao hơn 49% so với giá giao dịch của cổ phiếu OZ Minerals trước khi BHP đưa ra giá thầu đầu tiên vào tháng 8. Đây được xem là tín hiệu cho quan điểm tích cực về dài hạn của ngành và nhà đầu tư đối với đồng bất chấp sự sụt giảm giá gần đây của kim loại này.
Nói về vai trò của đồng, từ lâu kim loại này đã được gọi với cái tên "Tiến sĩ Đồng" - ám chỉ về một loại kim chỉ nam báo hiệu tin cậy về hướng đi của nền kinh tế thế giới. Gần đây những dự báo đã đưa ra một bức tranh ảm đạm về nền kinh tế: giá đồng chuẩn trên Sàn giao dịch kim loại London đã giảm 24% từ mức cao kỉ lục được ghi nhận vào tháng 2 là 10.674 USD/tấn xuống còn 8.068 USD/tấn vào cuối tháng 11.
Lý do của sự bị quan này là động lực thúc đẩy các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Một đám mây đen đang bao trùm thị trường Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới bởi chính sách Zero Covid mà quốc gia này đang theo đuổi. Chưa có dấu hiệu cho thấy khi nào những chính sách này sẽ có thể được dỡ bỏ hoàn toàn.
Đồng được sử dụng chủ yếu cho hệ thống dây điện, tòa nhà và cơ sở hạ tầng nên nhu cầu ở Trung Quốc là động lực chính của thị trường đồng. Lĩnh vực bất động sản của quốc gia này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính. Gần đây Trung Quốc đã tiết lộ về các gói cứu trợ lĩnh vực bất động sản. Và mặc dù các ngân hàng cam kết cấp tín dụng bổ sung cho vay đối với các nhà phát triển và người mua, tuy nhiên các nhà phân tích lại cho rằng điều này lẽ ra cần diễn ra sớm hơn.
“Với niềm tin của người tiêu dùng đang xuống mức quá thấp, chúng tôi không nghĩ rằng những bước giải cứu này sẽ đủ để thúc đẩy sự phục hồi trong hoạt động xây dựng nhà ở,” Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics, cho biết thêm rằng giá kim loại sẽ còn giảm hơn nữa.
Bất chấp những cơn gió ngược, hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng giá đồng có khả năng tăng trở lại trong dài hạn nhờ thúc đẩy quá trình khử cacbon toàn cầu và nhu cầu tăng hơn nữa. Xe điện, cùng với các thiết bị năng lượng gió và mặt trời, sẽ cần nhiều hệ thống dây điện hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu đồng vào năm 2040 có thể cao gấp hai đến ba lần so với năm 2020, tùy thuộc vào các giả định về chính sách khí hậu.
Christopher LaFemina, nhà phân tích chứng khoán tại Jefferies, cho biết: “Có nguy cơ giá sẽ giảm trong thời gian ngắn... nhưng đây chỉ là vấn đề tạm thời. Chúng tôi đang tăng giá đồng trong trung và dài hạn do nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng và nguồn cung hạn chế đáng kể."
Ông Tatsufumi Okoshi, nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, cho biết sản lượng đồng khó có thể tăng đáng kể, một phần do rủi ro chính trị ở các nước sản xuất quặng lớn như Chile và Peru. Okoshi cho biết: “Ngày càng có nhiều lo ngại về chi phí môi trường gia tăng và tăng cường đánh thuế đối với ngành khai thác mỏ”, đồng thời cho biết thêm rằng việc tìm kiếm các mỏ đồng mới với trữ lượng lớn cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo QUICK-FactSet, chi tiêu vốn của 16 nhà sản xuất đồng hàng đầu toàn cầu vào năm 2021 đã giảm 28% xuống tổng cộng khoảng 50 tỷ USD từ mức 69 tỷ USD vào năm 2011. Bảng xếp hạng này được dựa trên sản lượng năm ngoái từ các nhà sản xuất toàn cầu với dữ liệu có sẵn trên FactSet. Chúng bao gồm Freeport, Glencore, Zijin Mining Group, Rio Tinto và BHP.
Sau khi BHP mua lại OZ Minerals, một số chuyên gia mong đợi một sự thay đổi trong động lực của ngành, với nhiều công ty tài nguyên mua lại các nhà sản xuất nhỏ hơn. Rio Tinto, một công ty khai thác lớn khác của Anh-Úc, đang cố gắng đạt được thỏa thuận để đảm bảo quyền kiểm soát nhiều hơn đối với mỏ đồng Oyu Tolgoi ở Mông Cổ bằng cách mua lại các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong Turquoise Hill Resources - chủ sở hữu của mỏ. Rio đã sở hữu 51% cổ phần của công ty Canada.
Takayuki Honma, nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research, cho biết lãi suất tăng đang đè nặng lên các công ty khai thác nhỏ hơn và có thể không khuyến khích đầu tư vốn mới bởi hoạt động kinh doanh khai thác thường mất nhiều năm để mang lại lợi tức đầu tư sau khi mở các mỏ mới.
Honma cho biết: “Trong bối cảnh tỷ giá ngày càng tăng, các công ty khai thác thậm chí phải chắc chắn hơn nữa về việc thu được đủ tiền lãi từ khoản đầu tư của họ. Các nhà sản xuất thiếu vốn có thể tìm kiếm lợi thế về quy mô bằng cách sáp nhập với các công ty giàu vốn có lợi thế về cân đối tài chính."
Theo Nikkei Asia