Hàng loạt tàu mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ vì áp giá trần dầu Nga

By Cf, 2022 12 06,

Đã xảy ra một vụ tắc nghẽn tàu chở dầu tại vùng lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các cường quốc phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu Nga.

19 tàu chở dầu đang chờ giấy phép để đi vào eo biển Bosporus và Dardanelles. Tàu đầu tiên đến đây vào ngày 29-11 và xếp hàng chờ đợi 6 ngày qua.

Nguồn tin của tờ Financial Times cho biết vụ tắc nghẽn là do Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu xác nhận bổ sung về việc bảo hiểm tàu chở dầu. Cụ thể, các nhà chức trách ở Ankara yêu cầu các công ty bảo hiểm cần đảm bảo bất kỳ tàu nào đi qua eo biển của họ đều được bảo hiểm đầy đủ.

Bốn giám đốc điều hành ngành dầu mỏ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu giấy tờ bảo hiểm mới do mức giá trần.

Người phát ngôn của Bộ Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ chưa trả lời yêu cầu bình luận của tờ báo này.

Trong khi đó, ông Nick Shaw, Giám đốc điều hành Tập đoàn Bảo vệ và Bồi thường Quốc tế, nói với Financial Times rằng họ đang thảo luận "mang tính xây dựng" với các cơ quan liên quan để giải quyết tình hình.

Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, Washington cho rằng chính sách mới của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm phức tạp việc di chuyển của các tàu qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ và Anh đã bày tỏ lo ngại trong các cuộc giao tiếp gần đây với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Các tàu chở dầu đang chờ đợi trong và xung quanh vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mức giá trần đối với dầu của Nga có thể làm gián đoạn dòng dầu toàn cầu, theo tờ Financial Times.

Theo các nhà môi giới tàu biển và trang TankerTrackers, phần lớn dầu trên các con tàu ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ có nguồn gốc từ Kazakhstan. Dầu của Kazakhstan đến các cảng của Nga không bị phương Tây trừng phạt.

Giá trần mà phương Tây áp lên dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ hôm 5-12. Ảnh: RTE

Trước đó, các nước thuộc nhóm bảy nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada), Liên minh châu Âu (EU) và Úc đã đồng ý áp mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga được vận chuyển bằng đường biển kể từ ngày 5-12. Hơn nữa, từ ngày 5-2-2023, giá trần đối với các sản phẩm từ dầu sẽ có hiệu lực, các thông số sẽ được thiết lập sau.

Nhà Trắng vừa cho biết giá trần có thể được điều chỉnh theo thời gian để ngăn "không cho Nga hưởng lợi sâu hơn từ xung đột". Theo Nhà Trắng, trần giá dầu sẽ không có bất cứ tác động lâu dài nào đến giá dầu toàn cầu.

Về phía Nga, Moscow tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu ngay cả khi bị cắt khỏi các thị trường bảo hiểm phương Tây. Theo các nhà phân tích và môi giới vận tải biển, Nga đã âm thầm tập hợp một đội tàu gồm hơn 100 tàu chở dầu cũ kỹ để lách các hạn chế của phương Tây đối với việc bán dầu của Nga.

Công ty môi giới vận tải biển Braemar (Anh) ước tính Moscow, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các tàu chở dầu nước ngoài để vận chuyển dầu thô, đã bổ sung hơn 100 tàu trong năm nay, thông qua các giao dịch mua trực tiếp hoặc gián tiếp.