Skip to content

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 1): Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là gì? Giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có hợp pháp không?

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Trong thời gian qua, Báo Công Thương đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc quan tâm đến hoạt động giao dịch hàng hóa tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam.

Để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc một cách rõ ràng, chi tiết và hệ thống, từ ngày 15/02/2023, Báo Công Thương sẽ thực hiện tuyến bài về Hỏi đáp Giao dịch hàng hóa, xuất bản vào thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trong chuyên mục Công Thương và Công luận và Thị trường hàng hóa. Rất mong quý bạn đọc chú ý đón xem.

Bạn đọc Nguyễn Văn Tú ở Hà Nội đặt câu hỏi: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là gì? Giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam có hợp pháp không?


Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) là gì?

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, tên tiếng Anh là Mercantile Exchange of Vietnam, viết tắt là MXV, là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa tập trung quy mô cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam, dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Công Thương.

MXV hoạt động theo mô hình chuẩn quốc tế, hiện đang quản lý 37 Thành viên Thị trường (35 Thành viên Kinh doanh và 02 Thành viên Môi giới) cùng các văn phòng, chi nhánh khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các Thành viên thị trường trực thuộc MXV sẽ trực tiếp hỗ trợ các nhà đầu tư. Các chức năng của các đối tượng tham gia thị trường được phân định rõ ràng, đảm bảo sự chuyên biệt để thị trường được vận hành tối ưu. Tính đến cuối tháng 01/2023, toàn thị trường đang có hơn 22.000 tài khoản giao dịch active.

MXV đang niêm yết giao dịch 42 sản phẩm, chia thành 4 nhóm Nông sản, Năng lượng, Kim loại và Nguyên liệu Công nghiệp. Các sản phẩm này đều được liên thông trực tiếp với các Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trên thế giới, bao gồm Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), Sở Giao dịch Hàng hóa Liên lục địa (The ICE), Sở Giao dịch Kim loại London (LME), Sở Giao dịch Singapore (SGX), Sở Giao dịch Osaka (OSE), Sở Giao dịch Bursa Malaysia (BMD).

Tổng kết năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV tăng trưởng 36% so với năm 2021. Giá trị giao dịch trung bình trong năm 2022 đạt 5.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong đó có những ngày đạt kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng.


Giao dịch qua Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) có hợp pháp không?

Hoạt động giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) hoàn toàn hợp pháp và được Bộ Công Thương trực tiếp quản lý.

Được thành lập vào ngày 01/09/2010, theo giấy phép số 4596/GP-BCT và chính thức được liên thông với các Sở Giao dịch thế giới theo Nghị định số 51/2018/NĐ-CP ngày 09/04/2018, MXV tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các Sở Giao dịch thế giới có liên thông, thực hiện các chức năng thị trường toàn diện bao gồm: Giao dịch, Bù trừ, Thanh toán, Giao nhận; Cung cấp thông tin thị trường; Quản lý thành viên; Giao dịch các loại hợp đồng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hỏi đáp Giao dịch Hàng hóa (Số 1): Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam là gì?
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương tới thăm và làm việc tại trụ sở MXV

Hiện nay, MXV đang là thành viên của 9 Hiệp hội ngành nghề lớn trong nước, bao gồm: Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Dây cáp điện Việt Nam, Hiệp hội Bông Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Hoạt động của MXV được các lãnh đạo, bộ, ban, ngành liên quan đánh giá cao về tính hợp pháp, hiệu quả, đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế, thương mại của đất nước.

(Sharing by Hàng Hóa Futures, 2023 02 15)


Link gốc

Latest