Skip to content

Giá cả hạ nhiệt ở phương Tây mở ra hy vọng phục hồi cho khu vực kinh tế mới nổi

Chợ thực phẩm ngoài trời ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tháng 10, lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 85,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng lira của nước này giảm gần 30% so với đô la Mỹ trong năm nay. Ảnh: AP

By KTSG, Financial Times, 2022 12 16,

Lạm phát giảm tốc, lãi suất tăng chậm lại ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác có thể mang lại hy vọng phục hồi cho các thị trường mới nổi ở khu vực đang phát triển.

Các nước đang phát triển đã phải chịu tổn thương trong năm nay do sự kết hợp giữa lãi suất tăng, đồng đô la Mỹ mạnh, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt cũng như các gián đoạn nguồn cung khác do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các nhà phân tích nhận định, khi một số khó khăn đó bắt đầu lắng dịu, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển sẽ được cải thiện.

Quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau bốn lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp sẽ được nhiều nhà hoạch định chính sách xem là cột mốc để bắt đầu quá trình phục hồi đó.

Nhưng Manik Narain, nhà chiến lược thị trường mới nổi tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), cảnh báo vẫn còn quá sớm để cho rằng việc Fed nới lỏng chính sách sẽ tự động mở ra cơ hội hạ lãi suất ở các nước đang phát triển.

Ông cho biết do lạm phát đã ăn sâu vào nhiều thị trường mới nổi, các ngân hàng trung ương của họ có thể phải duy trì lãi suất ở mức cao trong năm tới. Điều này sẽ làm trì hoãn bất kỳ sự phục hồi nào trong hoạt động kinh tế. Ông nói: “Khi lạm phát giảm, điều đó mang lại cho các thị trường mới nổi một chút không gian để thở nhưng con đường phục hồi của họ sẽ rất gập ghềnh”.

Lãi suất toàn cầu tăng thường là dấu hiệu không tốt cho các nền kinh tế mới nổi. Chi phí vay cao sẽ không khuyến khích dòng tiền đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu có mức độ rủi ro cao hơn ở các nền kinh tế này. Hơn nữa, điều này cũng làm tăng chi phí vay cho chính phủ và doanh nghiệp, làm hạn chế khả năng đầu tư vào hoạt động sản xuất.

Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế (IIF), có trụ sở ở Washinhton, nhận định việc giảm quy mô tăng lãi suất của Fed sẽ giúp khôi phục một số tổn thất ở các thị trường mới nổi do mức tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến của Fed ​​trong năm nay.

Ông nói: “Chính những bất ngờ về mức lạm phát tăng cao và chu kỳ siết chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed đã gây áp lực lên các đồng tiền của các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm 2022. Cú sốc đó đang kết thúc, mở ra thời kỳ phục hồi của các thị trường này”.

Nhưng Adam Wolfe, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Công ty tư vấn Absolute Strategy Research, cho rằng ngay cả khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới, các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi cũng có thể sẽ không làm theo. Ông nói: “Nếu Fed giảm lãi suất, điều này là do cơ quan quản lý tiền tệ này lo lắng về tăng trưởng của Mỹ”.

Nếu Mỹ rơi vào suy thoái vào năm tới, như dự báo của nhiều nhà phân tích, giới đầu tư có thể ngần ngại mua các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi. Các quỹ đầu tư nước ngoài mua những tài sản như vậy đã bị rút ròng vốn kỷ lục trong năm nay trước khi bắt đầu phục hồi vào tháng trước. Giới phân tích cảnh báo nếu kinh tế Mỹ suy thoái, dòng vốn ngoại lại tiếp tục bị rút khỏi các thị trường mới nổi.

Nhiều ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển đã bắt đầu tăng lãi suất sớm và mạnh vào năm ngoái khi lạm phát bắt đầu leo thang, bao gồm cả những ngân hàng ở Hungary, Ba Lan, Mexico và Chile.

Brazil bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3-2021, trước 12 tháng so với Fed, và rốt cuộc đã nâng lãi suất chính sách từ 2% lên 13,75%. Lạm phát giá tiêu dùng ở quốc gia Nam Mỹ này đạt đỉnh trên 12% hồi tháng 4 và kể từ đó đã giảm xuống dưới 6%.

Ở những nơi lạm phát vẫn còn cao, như Ba Lan và Hungary, giá cả tiêu dùng cũng dự kiến giảm vào năm tới. Tại một số nước châu Mỹ Latinh  và Đông Âu, thị trường đang kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ năm tới.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương của họ khó có thể giảm lãi suất sớm. Lý do là lạm phát ở nhiều nền kinh tế đã lan rộng ra bên ngoài giá lương thực và nhiên liệu. Điều này có nghĩa là lạm phát sẽ vẫn duy trì mức cao ngay cả khi bắt đầu hạ nhiệt.

Trong kịch bản Mỹ rơi vào suy thoái, ngân hàng trung ương của các thị trường mới nổi sẽ phải giữ lãi suất cao để bảo vệ đồng tiền của họ để giảm tác động từ làn sóng tháo chạy của dòng vốn nước ngoài. Nếu đồng tiền của họ giảm giá, chi phí nhập khẩu sẽ tăng thêm, đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa.

Wolfe nhận định đô la Mỹ cần phải giảm giá so với các đồng tiền khác trước khi ngân hàng trung ương thị ở trường mới nổi có thể giảm lãi suất.

Đối với hàng chục nước có thu nhập thấp, bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của Fed cũng sẽ đến quá trễ để bảo vệ họ khỏi nguy cơ vỡ nợ do chi phí vay tăng cao. Zambia và Sri Lanka đã vỡ nợ trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ghana đã được IMF cung cấp một gói vay giải cứu trong tuần này. Ai Cập dự kiến cũng ​​đạt được gói vay tương tự từ IMF.

Các nền kinh tế mới nổi lớn hơn sẽ có ít khả năng rơi vào khủng hoảng nợ, nhưng chi phí đi vay cao hơn khiến họ ít có khả năng thúc đẩy tăng trưởng thông qua tăng đầu tư.

Narain, nhà chiến lược thị trường mới nổi của UBS, dự báo các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm tới so với bất kỳ năm nào kể từ thập niên 1980, ngoại trừ năm đại dịch đầu tiên 2020. Theo ông, các nền kinh tế mới nổi sẽ phục hồi nhờ lãi suất toàn cầu thấp hơn trong những tháng tới, trước khi cơn suy thoái kinh tế ở Mỹ gây tổn thương trở lại cho họ.

Latest