By Cf, 2022 12 07,
Có 2 phương án đang được cân nhắc. Một là Nga sẽ đưa ra một mức giá cố định cho bất cứ quốc gia nào muốn mua dầu của họ. 2 là áp mức chiết khấu tối đa và không công ty nào của Nga được chiết khấu vượt mức này khi giao dịch.
Nga đang cân nhắc đặt “giá sàn” cho dầu thô xuất khẩu của mình như một phản ứng đối với mức trần mà các quốc gia G7 đặt ra vào tuần trước.
Theo 2 quan chức quen thuộc với kế hoạch, Moscow đang xem xét áp đặt một mức giá cố định cho các thùng dầu xuất khẩu của họ hoặc quy định mức chiết khấu tối đa so với tiêu chuẩn quốc tế.
Vẫn chưa có thông tin cụ thể là mức giá cố định hay mức chiết khấu tối đa sẽ là bao nhiêu nhưng chắc chắn, các nhà giao dịch đang rất quan tâm đến thông tin này. Khi được chính thức đưa ra, nó sẽ là thông số quan trọng cho các công ty muốn tiếp cận bảo hiểm tiêu chuẩn và các dịch vụ quan trọng khác của ngành bởi họ chỉ có thể mua nếu giá dầu ở mức dưới 60 USD/thùng - theo mức áp trần của G7.
Mục đích chính của G7 trong việc áp trần giá dầu Nga là đảm bảo cho dầu thô của nước này tiếp tục chảy vào thị trường nhưng hạn chế lợi ích tài chính mà Nga thu được.
Trong khi đó, Nga đặt mục tiêu cung cấp một cơ chế giá minh bạch cho người mua dầu thô của mình, tuân thủ cách tiếp cận dựa trên cung-cầu thị trường để chống lại mức giá trần, một nguồn tin giấu tên cho hay. Người này cho biết Điện Kremlin không muốn làm mất lòng các quốc gia trung lập mua dầu thô của mình bằng cách gây áp lực lên họ thông qua các bước phi thị trường.
Một cách tiếp cận dự kiến của Nga là thiết lập mức chiết khấu tối đa cho dầu thô của họ so với tiêu chuẩn toàn cầu. Khi đó, các nhà sản xuất dầu thô của quốc gia này không được phép chiết khấu sâu hơn khi bán dầu thô ra ngoài. Mức chiết khấu này sẽ được điều chỉnh thường xuyên dựa trên tình hình thị trường năng lượng toàn cầu.
Một lựa chọn khác là thiết lập 1 mức giá cố định, cũng được sửa đổi thường xuyên.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết hộ 6/12 rằng công cụ chống áp trần giá dầu sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết Nga vẫn đang nghiên cứu để đưa ra phản ứng chính thức.
Điện Kremlin được cho đang chuẩn bị một sắc lệnh cấp Tổng thống, cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của quốc gia này và bán cho các thực thể tham gia vào việc áp trần giá dầu của họ.
Các quan chức hàng đầu của Nga, bao gồm của Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nói rằng quốc gia này sẽ không tuân thủ mức giá trần, cho rằng nó không dựa trên quy luật thị trường và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với cân bằng cung-cầu trên toàn cầu.
Nga sẽ ngừng cung cấp dầu thô cho bất kỳ khách hàng nào tuân theo mức giá trần và sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu tạm thời, nếu cần thiết – ông Novak nhắc lại vào đầu tuần này.