By MXV - Chinhphu, 2022 12 28,
Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,37 triệu tấn cao su, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021
Theo Thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2022 ước đạt 3,31 tỷ USD, với sản lượng đạt 2,14 triệu tấn, tăng 2,16% so với năm 2021; trong đó, sản phẩm từ cao su ước đạt 1,08 tỷ USD.
Trong nửa đầu tháng 12, Việt Nam cũng đã xuất khẩu hơn 133.300 tấn cao su, với kim ngạch hơn 180 triệu USD, tăng gần 13% về lượng và gần 12% về giá trị so với tháng trước.
Sau nhiều năm giá mủ cao su ở mức thấp, thì trong năm nay, ngành cao su đã ghi nhận sự khởi sắc đáng chú ý. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá mủ cao su tăng cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cao su phát triển mạnh mẽ. Bất chấp các biến động của thị trường, như lạm phát khiến nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất gây sức ép cho các nước tiêu thụ cao su Việt Nam, các biến động tỷ giá, nhưng ngành cao su vẫn duy trì vị thế tương đối vững vàng.
Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu cao su vẫn gặp nhiều trở ngại do đồng Dollar Mỹ vẫn còn nhiều biến động. Ngoài ra, vấn đề hoàn thuế khá chậm cho các doanh nghiệp sau khi xuất khẩu cũng khiến cho vòng xoay vốn chậm lại, ảnh hưởng tới việc đầu tư thêm cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo. Mặc dù vậy, xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng tích cực. Cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,37 triệu tấn cao su, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Theo MXV, việc Trung Quốc đang trên đà tiến tới mở cửa trở lại sẽ là động lực lớn thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế cho ngành cao su Việt Nam.
Hiện nay, giá mủ cao su nguyên liệu tại một số tỉnh, thành phố biến động nhẹ. Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 270-280 đồng/TSC, tăng 8-10 đồng/TSC so với hồi đầu tháng.
Trong khi đó, tại Bình Dương, mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phước Hòa thu mua ở mức giá 271-275 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, không biến động nhiều trong 10 ngày qua.
Mới đây, tập đoàn ISRG của Singapore đã dự báo nhu cầu sử dụng cao su trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn 2,4% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2031, tăng mạnh so với mức tăng trưởng 1,8% trong năm 2022, dựa trên kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại mạnh mẽ. Đây là cơ hội rất tốt cho xuất khẩu cao su của Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Giá cao su thế giới xuống đáy 1 tháng
Đóng cửa ngày 26/12, giá cao su RSS3 kỳ hạn tháng 5 trên sở Osaka giảm phiên thứ 2 liên tiếp với mức giảm 1,05% xuống 1.633 USD/tấn. Đây là mức thấp nhất của giá cao su kể từ ngày 28/11, khi nhu cầu chưa hồi phục đúng với kỳ vọng của thị trường.
Trung Quốc vẫn đang phải ứng phó với số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, tiếp tục gây ra hiện tượng gián đoạn sản xuất ở nhiều khu vực kinh tế trọng điểm. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu cao su lớn nhất, chiếm hơn 22% tổng nhập khẩu cao su trên toàn thế giới.
Theo ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), mặc dù là một thị trường tương đối hẹp, nhưng khối lượng giao dịch cao su trong tháng 12 đã ghi nhận mức tăng khoảng 6% so với tháng trước. "Với gần 1.500 hợp đồng được giao dịch mỗi ngày trên sở Osaka, thanh khoản thị trường đã tốt hơn rất nhiều. Điều này cũng giúp các nhà đầu tư tại Việt Nam đang dành sự quan tâm nhiều hơn đến mặt hàng cao su", ông Quang cho biết. Theo thống kê, giá trị giao dịch của nhóm nguyên liệu công nghiệp tại MXV đang cao hơn 3% so với cùng kỳ tháng trước, đạt gần 600 tỷ đồng.