uần này, giá lúa mỳ CBOT phần lớn có xu hướng đi lên và chốt tuần đạt trung bình 205,3 USD/tấn, cao hơn 1,3% so với tuần trước đó. Trong tuần, giá lúa mỳ được nâng đỡ bởi số liệu tồn kho lúa mỳ Mỹ và sản lượng lúa mỳ tại EU niên vụ 2024/25 điều chỉnh giảm trong Báo cáo Cung cầu tháng 12 của USDA đã thúc đẩy một đợt mua kỹ thuật của các quỹ. Ngoài ra, tại Mỹ, dự kiến một đợt lạnh tăng đột biến sẽ xảy ra trên khắp miền trung Hoa Kỳ trong 2-3 ngày tới trước khi ấm lên nhanh chóng vào cuối tuần này. Lượng mưa ít hoặc không có ở các tiểu bang đồng bằng cho đến tuần sau làm dấy lên những lo lắng về cây trồng vụ đông. Tuy nhiên mức tăng của giá lúa mỳ cũng được thu hẹp phần nào do: (i) Hoạt động bán chốt lời của các quỹ; (ii) Doanh số bán lúa mỳ của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 05/12 giảm 12% so với tuần trước đó; (iii) Thu hoạch lúa mỳ tại Argentina được đẩy nhanh nhờ thời tiết khô ráo. Sàn giao dịch ngũ cốc Rosario nâng dự báo sản lượng lúa mỳ 2024/25 của Argentina lên 19,3 triệu tấn, cao hơn mức 18,8 triệu tấn báo cáo trước đó và vượt mức 17,5 triệu tấn dự báo của USDA; (iv) Đồng đô la Mỹ vẫn mạnh hơn so với các đồng tiền khác gây cản trở cho hoạt động xuất khẩu.
Triển vọng: Trong tương lai gần, giá lúa mỳ Mỹ nhiều khả năng sẽ lình xình ở vùng giá đã thiết lập trong tháng 11. Thị trường vẫn dấy lên những lo ngại về nguồn cung tại Biển Đen do thời tiết bất ổn. Nguồn cung Biển Đen eo hẹp nên thị trường sẽ dồn sự quan tâm vào vụ mùa tại Mỹ và châu Âu. Triển vọng mùa vụ tại Mỹ và châu Âu tốt nhờ thời tiết thuận lợi sẽ bù đắp phần nào cho sự sụt giảm sản lượng tại Biển Đen.