Thị trường Lúa mì Quốc tế Tuần qua (26/11-30/11/2024)

uần này, hoạt động mua bổ sung các hợp đồng của các quỹ, đơn hàng thông qua đấu thầu của người mua quốc tế, những lo ngại về sau thông tin dự trữ lúa mỳ của Nga đang giảm nhanh chóng trong bối cảnh nguồn cung thấp hơn và xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục là nguyên nhân chính giúp nâng đỡ giá lúa mỳ. Tính đến ngày 1/11/2024, dự trữ lúa mỳ tại các trang trại đạt 21,8 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kì năm trước) trong đó, dự trữ lúa mỳ tại các trang trại khu vực phía Nam, vùng xuất khẩu lúa mỳ số 1 nước Nga chỉ đạt 6,3 triệu tấn, giảm mạnh 26% so với cùng kì năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2020. Trung bình tuần kết thúc ngày 30/11, giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 3 ở mức 203 USD/tấn, cao hơn 0,8% so với tuần trước. Tuy nhiên, mức tăng của giá lúa mỳ cũng được thu hẹp lại do (i) Hoạt động bán chốt lời của các quỹ sau phiên tăng trước đó và trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn; (ii) Doanh số bán lúa mỳ của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/11 giảm mạnh 33% so với tuần trước đó; (iii) Đà suy yếu của giá dầu thô; (iv) Điều kiện thời tiết tại Mỹ, Nam Mỹ, Pháp khá thuận lợi cho sự phát triển của cây lúa mỳ vụ mới.

Triển vọng: Trong tương lai gần, giá lúa mỳ Mỹ nhiều khả năng sẽ lình xình ở vùng giá hiện tại. Thị trường vẫn dấy lên những lo ngại về nguồn cung tại Biển Đen do thời tiết bất ổn. Tại khu vực Biển Đen, cây lúa mỳ vụ đông đang trong giai đoạn ngủ đông và chủ yếu trong điều kiện phát triển xấu và rất xấu, sản lượng vụ mới được dự báo thấp hơn hoặc tương đương so với niên vụ trước. Trong khi đó tồn kho vụ cũ tại Nga giảm mạnh khiến nước này áp hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ trong nửa sau năm kinh doanh 2024/25 (16/2-30/6/2025) ở mức 11 triệu tấn. Nguồn cung Biển Đen eo hẹp nên thị trường sẽ dồn sự quan tâm vào vụ mùa tại Mỹ và châu Âu. Triển vọng mùa vụ tại Mỹ và châu Âu ở mức cao sẽ bù đắp phần nào cho sự sụt giảm sản lượng tại Biển Đen.