Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 12 đạt trung bình 219.8 USD/tấn, cao hơn 2,7% so với tuần trước và cao hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa mỳ tăng mạnh trong 3 phiên đầu tuần do được hỗ trợ bởi: (1) Đà tăng mạnh của giá dầu thô và lo ngại xung đột Trung Đông/Biển Đen gia tăng gây khó khăn về hậu cần xuất khẩu; (2) Lo ngại về thời tiết khô hạn tại Nga gây ảnh hưởng tới năng suất cây trồng vụ đông. Tuy nhiên tới 2 phiên cuối tuần, giá lúa mỳ CBOT quay đầu hạ nhiệt trở lại do: (i) Hoạt động bán chốt lời của các quỹ trong phiên giao dịch cuối tuần; (ii) Đà suy yếu của giá lúa mỳ Châu Âu; (iii) Căng thẳng ở khu vực Biển Đen dường như đã lắng xuống một chút trong 24-48 giờ qua sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ucraina ở khu vực Odessa vào đầu tuần; (iv) Thiếu vắng đơn hàng mua mới thông qua đấu thầu của các nhà nhập khẩu; (v) Dự báo thời tiết tại phía đông Ucraina và phía nam nước Nga có mưa rải rác hỗ trợ gieo trồng lúa mỳ vụ đông; (vi) Đồng đô la Mỹ tăng giá cản trở xuất khẩu.
Triển vọng: Trong tương lai gần, giá lúa mỳ Mỹ nhiều khả năng sẽ quay đầu hạ nhiệt trở lại sau tuần tăng mạnh. Hiện nhu cầu của người mua châu Á với lúa mỳ khá yếu, nhất là nhu cầu của người mua Trung Quốc, nước này đang có xu hướng tăng sử dụng lúa miến, lúa mạch thay thế 1 phần lúa mỳ và ngô. Dự báo thời tiết tại Mỹ khá thuận lợi cho việc gieo trồng lúa mỳ vụ đông 2024/25 với độ ẩm vừa phải, diện tích cây trồng chịu hạn hán cũng có xu hướng giảm so với tuần trước.