Giá lúa mỳ CBOT kỳ hạn tháng 12 có xu hướng giảm trở lại trong tuần kết thúc ngày 09/11, đạt trung bình 210 USD/tấn, cao hơn 0,6% so với tuần trước. Đà đi lên của giá lúa mỳ chủ yếu do: (1) Hoạt động mua kỹ thuật của các quỹ và việc các nhà nhập khẩu Hàn Quốc ra đấu thầu mua lúa mỳ; (2) Sức mạnh lan tỏa của thị trường nông nghiệp đặc biệt là thị trường ngô. Còn ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ CBOT lại chịu áp lực từ: (i) Tiến độ gieo trồng lúa mỳ vụ đông tại Mỹ tính tới ngày 03/11 tuy chậm hơn một chút so với cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 5 năm nhưng cao hơn ước tính của thị trường. Chất lượng cây trồng cải thiện 3% so với tuần trước đó nhờ thời tiết có mưa tốt; (ii) Tại khu vực phía nam đồng bằng nước Mỹ dự kiến sẽ có mưa với lượng mưa đạt khoảng 1-3inch vào cuối tuần này, giúp giảm bớt căng thẳng do hạn hán gây ra lên cây lúa mỳ; (iii) Trước thềm Báo cáo Cung cầu tháng 11, các nhà phân tích cho rằng tồn kho lúa mỳ 2024/25 của Mỹ sẽ điều chỉnh tăng trong báo cáo tháng 11; (iv) Doanh số bán lúa mỳ tại Mỹ niên vụ 2024/25 trong tuần kết thúc ngày 31/10 giảm 9% so với tuần trước đó; (v) Nguồn cung lúa mỳ Argentina dồi dào nhờ vụ thu hoạch, gây một phần áp lực cho lúa mỳ nguồn gốc khác
Triển vọng: Trong tương lai gần, giá lúa mỳ Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt hơn nhờ dự báo thời tiết có mưa tại khu vực Biển Đen và Mỹ. Dự báo sẽ có một số trận mưa rất cần thiết vào tuần tới trên khắp các vùng trung tâm tại khu vực Trung Tây nước Mỹ. Tuy nhiên những lo ngại về khô hạn vẫn tiềm tàng tại khu vực Biển Đen, nơi gieo trồng lúa mỳ vụ đông chính trên thế giới vẫn là nỗi lo cho các nhà giao dịch. Tại khu vực Biển Đen, cây lúa mỳ đang trong giai đoạn ngủ đông và chủ yếu trong điều kiện phát triển xấu và rất xấu. Lượng mưa tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng ở khu vực phía đông. Cây trồng rất cần lượng mưa tốt để bù đắp lượng mưa vốn bị thiếu hụt trước đó. Dự báo thời tiết có mưa trong tuần này và tuần tới cải thiện phần nào độ ẩm cho đất và hỗ trợ cây trồng cải thiện chất lượng.