Giá ngô trên sàn CBOT trải qua một tuần với nhiều biến động và đạt trung bình 170,3 USD/tấn, giảm nhẹ 0,5% so với tuần trước. Đà giảm của giá ngô tới từ: (i) Thời tiết tại Brazil thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng vụ 2 (vụ chính) với lượng mưa tốt tại hầu khắp các khu vực hỗ trợ cây trồng; (ii) Theo Khảo sát về Phong vũ biểu (Nhiệt kế của nền kinh tế), kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm Nông nghiệp Thương mại của Đại học Purdue và Tập đoàn CME cho thấy niềm tin của nông dân Mỹ đã tăng 3 điểm so với tháng trước lên 114 điểm trong tháng 3, chủ yếu là do các nhà sản xuất kỳ vọng rằng điều kiện tài chính tại trang trại của họ sẽ được cải thiện trong năm tới; (iii) Áp lực nguồn cung khi vụ thu hoạch tại Argentina đang được đẩy nhanh; (iv) Chứng khoán Mỹ suy yếu khi lợi suất trái phiếu tăng và nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 6/2024. Còn ở chiều ngược lại, giá ngô CBOT lại được nâng đỡ do: (i) Đà đi lên của giá ngô trên sàn Đại Liên với 4 phiên tăng liên tiếp; (ii) Lo ngại thời tiết bất lợi tại Mỹ làm gián đoạn vụ gieo trồng của nước này; (iii) Đà đi lên lan toả từ thị trường lúa mỳ với những lo ngại về tình hình Biển Đen; (iv) Sức mạnh lan toả từ thị trường dầu thô khi leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2023; (v) Sản lượng ngô tại Argentina ước tính giảm do ảnh hưởng bởi bệnh lùn sọc. Tuần tới, số liệu trong báo cáo Cung Cầu của USDA, cùng thông tin thời tiết tại Mỹ/ Nam Mỹ và số liệu xuất/nhập khẩu của các nước lớn sẽ là yếu tố chính chi phối thị trường
Doanh số bán ngô niên vụ 2023/24 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/03 đạt hơn 948 nghìn tấn, giảm 21% so với tuần trước đó và nằm trong khoảng kỳ vọng của thị trường từ 800-1400 nghìn tấn. Những nhà nhập khẩu lớn nhất là Nhật Bản, Mexico, Colombia, Hàn Quốc,… Tính từ đầu niên vụ 2023/24 (1/9/2023) đến ngày 28/03/2024, các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán được gần 44 triệu tấn ngô, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 81% mức 54 triệu tấn dự kiến xuất khẩu cho cả niên vụ.