Trung Quốc bán trái phiếu Mỹ để mua vàng của Nga?

By Thesaigontimes, Nikkei Asia, Kitco 2022 11 26,

(KTSG Online) – Một thông tin gây chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây là các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua gần 400 tấn vàng trong quí 3, cao hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài những dữ liệu đã được công bố cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ đã mua tổng cộng gần 90 tấn vàng trong quí vừa qua, vẫn chưa rõ ngân hàng trung ương nước nào đã mua 300 tấn vàng còn lại. Giới phân tích suy đoán Trung Quốc có thể là nước đã mua phần lớn số vàng này từ Nga sau khi bán hơn 120 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ Mỹ kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Các nhà phân tích nhận định, sau khi chứng kiến Nga bị phương Tây trừng phạt bằng cách cắt đứt Moscow khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và phong tỏa tài sản của Nga ở nước ngoài, Trung Quốc và một số nước khác không thân thiện với phương Tây có thể nhận thấy cần nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ.

Các ngân hàng trung ương đã mua ròng 399,3 tấn vàng trong quí 3, cao hơn hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC). Số lượng mua lớn bất ngờ này đã đánh dấu một bước nhảy vọt so với 186 tấn mà họ mua trong quí 2 và 87,7 tấn trong quí 1. Khối lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua trong 9 tháng đầu năm nay cao hơn bất cứ năm nào kể từ năm 1967.

Cụ thể, các ngân hàng hàng trung ương ở Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Ấn Độ đã báo cáo mua lần lượt 31,2 tấn, 26,1 tấn và 17,5 tấn vàng trong quí gần nhất. Vấn đề là lượng mua đã được xác định này chỉ khoảng 90 tấn. Có nghĩa là không rõ ngân hàng trung ương nào đã mua ròng khoảng 300 tấn vàng còn lại.

Theo Koichiro Kamei, nhà phân tích tài chính và kim loại quý ở Viện Chiến lược thị trường Tokyo, một lượng vàng lớn ở mức độ này mà chưa xác định được bên mua là điều “chưa từng có”. Điều này làm dấy lên những đồn đoán xung quanh bên mua bí ẩn.

Emin Yurumazu, nhà kinh tế người Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Sau khi chứng kiến tài sản ở nước ngoài của Nga bị đóng băng như thế nào sau cuộc xung đột ở Ukraine, các nước chống phương Tây rất muốn tích trữ vàng trong tay”.

Còn nhà phân tích thị trường Itsuo Toshima, cựu đại diện của Nhật Bản tại WGC, nhận định: “Trung Quốc có thể đã mua một lượng vàng đáng kể từ Nga”.

Trung Quốc đã có những bước đi tương tự trong quá khứ. Sau khi giữ im lặng về thông tin mua bán vàng kể từ năm 2009, Bắc Kinh đã khiến thị trường choáng váng vào năm 2015 khi tiết lộ rằng đã tăng lượng vàng đang nắm giữ thêm khoảng 600 tấn. Trung Quốc cũng đã không báo cáo bất kỳ hoạt động mua bán vàng nào kể từ tháng 9-2019.

Toshima suy đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có khả năng đã mua một phần trong số hơn 2.000 tấn vàng của Ngân hàng trung ương Nga.

Theo phân tích của trang tin tài chính Zerohedge, giá vàng giảm trong quí 3 cho thấy Nga có thể là bên chủ động bán vàng cho Trung Quốc khi nước này muốn bán vàng nhưng đã bị chặn khỏi thị trường toàn cầu.

Các ngân hàng trung ương và các tổ chức chính phủ đã tích lũy dự trữ vàng trong hơn 10 năm qua sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm xói mòn niềm tin vào trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và các tài sản định danh bằng đô la Mỹ  khác, khiến họ phải nỗ lực đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Các nền kinh tế mới nổi có mức tín nhiệm thấp cũng đang tìm cách tăng cường dự trữ vàng, vốn có tính thanh khoản cao và không có rủi ro vỡ nợ như trái phiếu chủ quyền.

Trung Quốc đã bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ trong năm năm. Theo Bộ Tài chính Mỹ, kể từ cuối tháng 2, ngay sau chiến tranh nổ ra ở Ukraine, cho đến cuối tháng 9, Bắc Kinh đã bán 121,2 tỉ đô la trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương khoảng 2.200 tấn vàng.

Đài truyền hình RBC của Nga dẫn dữ liệu của Tổng Cục hải  quan Trung Quốc cho biết nhập khẩu vàng của Trung Quốc từ Nga tăng mạnh trong tháng 7, đạt 108,8 triệu đô la Mỹ, cao gấp 8 lần so với tháng trước đó và cao gấp khoảng 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nikos Kavalis, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn kim loại quý Metals Focus, nói: “Chúng tôi nghĩ rằng nhìn chung các ngân hàng trung ương sẽ vẫn là những người mua ròng vàng dựa vào hiệu suất ổn định của nó trong những năm gần đây”. Theo Kavalis, một yếu tố nữa khiến các ngân hàng trung ương chuộng vàng là vì kim loại quý này là “một nghĩa vụ nợ của bất cứ quốc gia nào”.

Các ngân hàng trung ương thường không bán lượng vàng đang nắm giữ của họ nếu không rơi vào tình huống cấp thiết. Có nghĩa là họ càng mua nhiều vàng thì giá kim loại quý này càng được hỗ trợ.

Cơn khát vàng của các ngân hàng trung ương chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Krishan Gopaul, nhà phân tích phụ trách thị trường châu Âu và Trung Đông ở WGC cho biết dữ liệu mới nhất cho thấy Uzbekistan và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua lần lượt 8,7 và 9 tấn vàng trong tháng 10, nâng tổng dự trữ vàng của họ lên các mức tương ứng 399 và 498 tấn.

Theo Nikkei Asia, Kitco