By FT, Cafef, 2022 11 30,
Sự gia tăng vận chuyển LNG của châu Âu vẫn diễn ra ngay cả khi dòng chảy của nhiên liệu qua các đường ống đã chậm lại đáng kể.
Theo Financial Times, từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Nga sang châu Âu đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy châu Âu vẫn chưa rũ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Nga đối với nhiên liệu quan trọng này, ngay cả khi dòng chảy qua các đường ống gần như đã ngừng lại.
LNG Nga chiếm khoảng 16% tổng nhập khẩu LNG của châu Âu. Dù tổng khối lượng 17,8 tỷ mét khối là chiếm phần nhỏ so với 62,1 tỷ mét khối khí đốt vận chuyển qua đường ống, nhưng điều này vẫn khiến châu Âu đối mặt với rủi ro khi đối đầu với Nga về vấn đề năng lượng.
“Một ngày nào đó, phía Nga có thể nói rằng ‘chúng tôi sẽ ngừng xuất khẩu LNG sang châu Âu’, buộc châu lục này phải mua từ thị trường giao ngay với giá đắt đỏ hơn nhiều”, Anne-Sophie Corbeau học giả nghiên cứu toàn cầu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia.
Theo bà Corbeau, Nga cũng có thể chuyển hướng các chuyến hàng LNG sang những nước đang “khát” khí đốt như Bangladesh và Pakistan với giá rẻ để “đạt được lợi ích về chính trị” và “gây áp lực lên người châu Âu”.
“Đừng quên rằng rất nhiều quốc gia đang thiếu khí đốt vì họ không đủ khả năng chi trả cho LNG”, bà cho hay.
Tận dụng lợi thế, Nga đã siết nguồn cung khí đốt qua đường ống sang châu Âu, đẩy giá khí đốt và chi phí sinh hoạt tại châu lục này tăng vọt.
Dòng chảy khí đốt qua đường ống Yamal, chạy qua Ba Lan, đã ngừng hoạt động từ hồi tháng 5. Nga cũng giảm lượng khí đốt sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 từ mùa hè và đã khoá van đường ống này từ cuối tháng 8. Sau đó, Nord Stream 1 lại bị phát hiện có rò rỉ. Nga gần đây đe dọa sẽ siết nguồn cung khí đốt sang các nước Tây Âu qua đường ống chạy dọc Ukraine - đường ống duy nhất còn lại.
Theo dữ liệu từ viện nghiên cứu Bruegel, lượng khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã giảm gần 80% so với năm trước. Để lấp đầy khoảng trống, châu Âu đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, bao gồm cả LNG.
Từ tháng 1-10/2022, châu lục này đã nhập kỷ lục 111 tỷ mét khối LNG từ thị trường quốc tế, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Refinitiv. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG từ Nga trong giai đoạn này cũng tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, lên 17,8 tỷ mét khối với Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan chiếm gần như toàn bộ khối lượng.
Một dấu hiệu khác cho thấy hoạt động thương mại LNG từ Nga sang châu Âu vẫn đang tiếp tục tiến triển là một tàu chở LNG lớn từ cơ sở Portovaya gần biên giới phía Nam nước Nga với Phần Lan đã cập cảng Hy Lạp vào tháng trước, theo dữ liệu vệ tinh của công ty phân tích QuantCube.
Từ năm 2017, Nga nằm trong top 3 nhà cung cấp LNG của châu Âu, khi chiếm khoảng 20% tổng lượng nhập khẩu trong 3 năm qua. Năm nay, Nga trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai nhưng thị phần giảm xuống còn 16% dù châu Âu tăng nhập LNG từ Mỹ (42%). Nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của châu Âu là Qatar, chiếm 13,7%.
“Theo quan điểm thẳng thắn của tôi thì việc châu Âu nhập LNG hoàn toàn bình thường. Điều mà châu Âu cần cấp bách lúc này là một cơ chế để bảo vệ trong trường hợp Nga chỉ xuất khẩu chọn lọc cho một số khách mua ở châu Âu để thu về lợi ích chính trị - điều sẽ làm lung lay sự đoàn kết của châu Âu”, ông Georg Zachmann, một thành viên cấp cao tại viện nghiên cứu Bruegel, có trụ sở ở Bỉ.
Sự đoàn kết của châu Âu hiện đã bị thử thách với sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các quốc gia ủng hộ việc áp giá trần khí đốt Nga như như Tây Ban Nha và Hy Lạp, và các quốc gia vẫn hoài nghi về cơ chế này như Đức, Đan Mạch và Hà Lan. Trong khi đó, Hungary đã ký một thỏa thuận khí đốt mới với tập đoàn Gazprom của Nga hồi tháng 8.
“Nếu mất đoàn kết, châu Âu có thể gặp rủi ro bởi ngoài Hungary, nhiều quốc gia khác sẽ rất sẵn sàng chấp nhận khí đốt của Nga và đây sẽ là một vấn đề lớn”, ông Zachmann nhấn mạnh.
Tham khảo: FT